(HNM) - Nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nga…, nhưng đa số sản phẩm làng nghề của Hà Nội, nhất là những sản phẩm sơn mài vẫn “áo gấm đi đêm”.
Vẫn ở "ao làng"
Trở về làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội), người viết bài này đã gặp lại nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, nghe câu chuyện của bà để hình dung một lát cắt của sự phát triển ở làng nghề khá nổi tiếng này. 14 năm trước, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái, bà Hồi tích cực tham gia nhiều hoạt động để giữ nghề, nhân cấy nghề như mở lớp đào tạo, tham gia hội chợ, triển lãm... Nay đã ngoài 60 tuổi, bà Hồi vẫn nhanh nhẹn và say mê làm nghề.
Tuy nhiên, gần 20 năm thành lập, cơ sở sản xuất Hồi Quyết của bà vẫn chưa phát triển thành doanh nghiệp, chưa mạnh dạn bước vào thị trường. Thoáng buồn, bà Hồi chia sẻ: “Đôi khi cũng chạnh lòng, nhưng chúng tôi tự động viên nhau, giữ nghề cho mình, cho làng, có việc làm cho người dân là quý lắm”.
Nghệ nhân tiêu biểu thuộc lớp trẻ so với bà Hồi mà chúng tôi đến gặp là anh Lê Thanh Thái, Giám đốc Công ty TNHH Sơn mài Thuận Thiên. Bước vào nhà trưng bày sản phẩm rộng chừng hơn 100m2, thu hút chúng tôi là bức tranh “Cá chép sen vàng” rực sáng. Mỗi giá kệ là vị trí của từng bộ sản phẩm không trùng lặp, với nhiều ý tưởng độc đáo. Đó là các sản phẩm lọ hoa, hộp đựng trang sức, hộp đũa, cặp lồng đựng cơm, đồ lưu niệm, những chú voi sắc màu…
Tuy vậy, dù đã thành lập doanh nghiệp 5 năm nay, anh Thái cho rằng vẫn đang ở "ao làng”, mà chưa thể ra “biển lớn” vì không biết ngoại ngữ, không tham gia được các hội nghị, triển lãm để giao dịch, đàm phán, xúc tiến thương mại… Vấn đề xuất khẩu trực tiếp với anh Thái vẫn rất khó. Anh hy vọng, con gái lớn học đại học xong sẽ đủ kiến thức, kỹ năng để sớm thực hiện những việc anh ấp ủ. Ấy là việc tìm hiểu, tiếp cận để trực tiếp tìm thị trường xuất khẩu. Được như vậy, tên làng, tên doanh nghiệp mới hiện diện nơi xứ người.
Xuôi theo phía Cầu Giẽ, chúng tôi hướng về ngôi làng nổi tiếng với nghề sơn mài gần 600 năm ở Bối Khê (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên). Chúng tôi tìm đến một trong những người thành đạt ở làng Bối Khê là chị Đinh Thị Vân - chủ cơ sở sơn mài Vân Linh. Người phụ nữ gần 50 tuổi ấy có gương mặt sáng, dáng nhanh nhẹn. Chị hồ hởi: “Tôi làm nghề như ăn cơm, uống nước thôi”.
Cũng như các nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, Lê Thanh Thái, chị Vân hiểu về thiệt thòi khi mình chưa thể tự “bơi ra biển”. Mỗi năm, tổng đơn hàng xuất khẩu của cơ sở chị là hơn 20 tỷ đồng, hàng thường được xuất đi các nước châu Âu, Hoa Kỳ. Để bảo đảm tiến độ hoàn thành các đơn hàng, chị thường bố trí 400-500 lao động vệ tinh. Nhờ gây dựng được uy tín với đối tác từ nhiều năm nay nên chị luôn có nhiều đơn hàng với lượng lớn. Vì thế, dù là “áo gấm đi đêm”, chị vẫn vui vẻ giữ nghề. Chị Vân tâm tư: “Chúng tôi chỉ mong được Nhà nước ưu đãi thuế để thêm tiền công cho người lao động...”.
Cần chủ động xây thương hiệu
Chuyện của ba nghệ nhân sơn mài Nguyễn Thị Hồi, Lê Thanh Thái và Đinh Thị Vân đã phần nào phác họa thực trạng của làng nghề trong việc xây dựng thương hiệu. Với tư duy làm thợ, làm nghề, nên việc xây dựng thương hiệu để gắn tên lên sản phẩm vẫn là bài toán khó với Hạ Thái, Bối Khê nói riêng và nhiều làng nghề thủ công nói chung.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,… thì hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang kém cạnh tranh về thiết kế, mẫu mã. Có đến 90% sản phẩm dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài cung cấp và sử dụng nhãn mác của họ. Về giá trị, do xuất khẩu dưới dạng gia công cho thương hiệu nước ngoài nên sản phẩm mỹ nghệ của Việt Nam chỉ bán được với giá vài chục USD, trong khi nhà nhập khẩu gắn mác thương hiệu của họ, giá trị sản phẩm đã tăng nhiều lần. Điều đó đã cho thấy cái giá của sự thua thiệt khi chưa phát triển được thương hiệu.
Những năm gần đây, đã có một số thương hiệu của các làng nghề lớn mạnh, vừa xuất khẩu, vừa làm du lịch thành công như: Gốm sứ Bát Tràng, gốm Chu Đậu, lụa Vạn Phúc… Trong sự phát triển ấy, thấy rõ vai trò của việc được đầu tư xúc tiến thương mại, đầu tư cơ sở vật chất làng nghề để quảng bá du lịch. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là ý chí, bản lĩnh của chính những người làm nghề…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, với mô hình hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về quản trị thương hiệu, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, chưa chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trong khi đó, thương hiệu là tài sản của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí là quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Vì vậy, muốn phát triển, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần đầu tư hợp lý cho việc phát triển thương hiệu của mình.
Trở lại câu chuyện của làng nghề ở xã Chuyên Mỹ, ông Phạm Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ phấn khởi chia sẻ: “Hơn một năm nay, UBND xã đã đóng dấu xác nhận các sản phẩm được sản xuất tại địa phương cho các cơ sở, theo yêu cầu của đối tác nước ngoài. Dù chưa xây dựng được thương hiệu nhưng cũng là tín hiệu vui để thế giới biết đến tên làng nghề sơn mài ở Chuyên Mỹ”.
Điều này rõ ràng tạo thêm thuận lợi cho làng nghề trên lộ trình xây dựng thương hiệu, tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, trong khi làng nghề “già” về thâm niên nhưng lại “non” về kiến thức thị trường, nhất là thị trường trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, người làng nghề đang cần nhiều sự trợ giúp từ chính quyền, các cấp, ngành. Về phía mình, các doanh nghiệp làng nghề đã ý thức rõ việc phải tự mình lớn mạnh, tìm cách "vươn khơi" thành công. Chủ động cải tiến mẫu mã, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm... là những công việc đang được tập trung đầu tư để xây dựng sự "chính danh" cho những sản phẩm truyền thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.