(HNM) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa công bố gói viện trợ mới trị giá khoảng 3.200 tỷ yen cho châu lục tại Hội nghị Phát triển Châu Phi lần thứ năm vừa kết thúc ở Yokohama (Nhật Bản) ngày 3-6.
Khoản viện trợ khổng lồ được thực hiện trong 5 năm không chỉ góp phần đưa Châu Phi từ một đối tượng nhận viện trợ thành đối tác kinh tế mà còn giúp cường quốc thứ ba thế giới mở rộng ảnh hưởng tại châu lục rộng lớn này.
Hợp tác với Châu Phi mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản. |
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những "Mạnh thường quân" hào phóng nhất thế giới về cung cấp viện trợ ODA cho các quốc gia đang phát triển, thậm chí ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất khi đất nước Mặt trời mọc hứng chịu thảm họa kép động đất - sóng thần kinh hoàng năm 2011. Thế nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng, những dòng tiền của nền kinh tế tư bản có thể được sử dụng một cách thiếu kiểm soát. Trên thực tế, bất chấp nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự thoát khỏi "bóng ma" suy giảm, ước tính mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Phi (BAD) cho thấy, tăng trưởng toàn châu lục sẽ đạt con số 4,8% trong năm 2013 và 5,3% năm 2014. Với mức thu nhập bình quân đầu người đã vượt qua 1.000 USD/người/năm, vùng đất Châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên đã chứng tỏ sức hấp dẫn bởi những khả năng phát triển tiềm tàng chưa thực sự được đánh thức. Từ kết quả hợp tác kinh tế - thương mại giữa Nhật Bản và Châu Phi kể từ TICAD lần thứ nhất diễn ra vào năm 2008, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn chưa có một vị thế vững chắc tại châu lục này khi không đẩy mạnh đầu tư vào thị trường hơn 1 tỷ dân này. Cho đến nay, nhiều công ty của Nhật Bản vẫn chưa có những cách tiếp cận tốt nhất để thiết lập hoạt động tại Lục địa đen. Do đó, việc mở rộng hợp tác với thị trường rộng lớn và mới mẻ sẽ tạo ra những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày một giảm sút.
Nói tới Châu Phi là nhắc đến những mỏ kim loại đồ sộ, những tài nguyên phong phú mà thiên nhiên ban tặng cho Lục địa được xem là cái nôi của loài người. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 85% lượng platinum được sử dụng tại Nhật Bản - chủ yếu trong ngành công nghiệp ô tô - và 67% mangan được nhập khẩu từ đây. Tuy nhiên, chiến lược của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe dường như không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận nguồn tài nguyên dồi dào. Với khoản viện trợ mới nhất, Nhật Bản thực hiện cam kết hỗ trợ Châu Phi phát triển một cách toàn diện hơn thông qua đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng năng lực chống chủ nghĩa khủng bố và cải thiện an ninh, hoạt động nhân đạo cũng như hỗ trợ phát triển, tăng cường đối thoại với các nước thuộc vành đai Sahel ở Bắc Phi, trong đó có Algeria và Nam Sudan. Không dừng lại ở đó, Nhật Bản còn cam kết sẽ đào tạo nghề cho 30.000 người Châu Phi trong vòng 5 năm tới nhằm đáp ứng mối quan tâm về số lượng ngày càng tăng những người trẻ tuổi thất nghiệp ở châu lục này - một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất ổn xã hội gia tăng. Gói viện trợ trên còn thiết lập một chương trình đào tạo mới giúp khoảng 1.000 sinh viên Châu Phi có cơ hội nghiên cứu và làm việc tại các trường đại học và doanh nghiệp Nhật Bản.
Vậy là sau Mỹ, Châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia đang giành được ưu thế lớn trong sự hiện diện tại Châu Phi thông qua các dự án đầu tư rầm rộ, Nhật Bản cũng đã khẳng định sự quan tâm đến châu lục nhiều tiềm năng này. Thành công của hội nghị tại Yokohama cũng thể hiện rõ ràng chính sách đối ngoại của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của nền kinh tế số hai Châu Á trên bản đồ chính trị và kinh tế thế giới. Khoản viện trợ 32 tỷ USD cùng với những cam kết hợp tác toàn diện và bền vững được kỳ vọng sẽ tạo nên một nền tảng quan trọng để nhanh chóng cải thiện vị thế của Nhật Bản tại Lục địa đen.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.