Xã hội

Nỗ lực thu hút người dân tham gia hệ thống an sinh

Hà Hiền 23/10/2023 - 06:36

Chỉ còn hơn hai tháng nữa để các ngành, địa phương của Hà Nội thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội năm 2023. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Các bên liên quan đang phải rất nỗ lực thu hút người dân vào hệ thống an sinh.

an-sinh.jpg
Quý IV-2023, quận Long Biên đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với người dân thông qua mô hình tuyên truyền theo nhóm nhỏ.

Còn xa mục tiêu

Tạo điều kiện, cơ hội cho người dân ở Thủ đô có điểm tựa an sinh vững chắc, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, các cơ quan chức năng đã nỗ lực đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào đời sống. Kết quả, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố có thêm gần 30.000 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nâng tổng số người tham gia chính sách này lên lơn 2,011 triệu người, bằng 42,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, thành phố có thêm gần 4.000 người tham gia so với thời điểm cuối năm 2022, nâng tổng số người tham gia lên gần 79.000 người, đạt 1,82% lực lượng lao động trong độ tuổi. Bảo hiểm y tế tiếp tục mở rộng diện bao phủ đến 93,29% dân số Hà Nội, tương ứng gần 7,8 triệu người tham gia, tăng hơn 74.000 người so với cuối năm trước...

Mặc dù số người tham gia các chính sách đều duy trì đà tăng, nhưng vẫn còn xa đích. Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, để hoàn thành mục tiêu, trong những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng cần phát triển thêm hơn 100.000 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (gấp hơn 3 lần số đạt được từ đầu năm đến nay); hơn 24.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (gấp hơn 7 lần số đã đạt được) và hơn 147.000 người tham gia bảo hiểm y tế (gấp gần 2 lần số đã đạt được)...

Về nguyên nhân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến phân tích, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nên các doanh nghiệp ít tuyển dụng mới lao động, đồng thời ít doanh nghiệp thành lập mới, dẫn đến số lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không nhiều. Hơn nữa, một số người sử dụng lao động chưa nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, còn tình trạng không khai báo sử dụng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc có thực hiện nhưng số lượng ít hơn thực tế. Với bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, một mặt do đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, mặt khác do chưa hiểu rõ về sự ưu việt, tính nhân văn của các chính sách, nên chưa chủ động tham gia...

Đồng tình với nhận định nêu trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy Trần Văn Hoan nhấn mạnh, việc hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023 là bài toán không dễ có lời giải của các đơn vị ở cơ sở.

Bám sát địa bàn, nắm rõ đối tượng

Kiên trì thực hiện mục tiêu nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang tập trung vận dụng các giải pháp thu hút người dân vào hệ thống an sinh.

Trong đó, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục được triển khai trên quy mô rộng. Thực tế, thông qua hơn 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã yêu cầu đóng và truy đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 800 lao động. Việc rà soát, đối chiếu dữ liệu về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động cùng số người lao động giữa ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cơ quan Thuế cũng được tiến hành, làm cơ sở khai báo tăng đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 1.000 người...

Các cơ quan chức năng cũng luôn bám sát địa bàn, nắm rõ đối tượng để đưa ra những giải pháp đột phá, nhằm thu hút người dân tham gia các chính sách. Với những địa phương tập trung nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan chức năng tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với người sử dụng lao động và người lao động theo hình thức tập trung hoặc theo nhóm nhỏ. Chẳng hạn, tại quận Long Biên, trong quý IV năm nay, Bảo hiểm xã hội quận cùng các bên liên quan dự kiến thực hiện hơn 100 buổi tuyên truyền theo nhóm nhỏ.

Tại những địa phương xa trung tâm, các bên chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách, đồng thời huy động nguồn lực xã hội để tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó là việc xây dựng các mô hình tiết kiệm, gây quỹ an sinh. Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thường Tín Trần Việt Trang cho biết, mô hình “Phiên chợ mùa thu - điểm thu gom phế liệu gây quỹ an sinh xã hội” do Hội Nông dân thị trấn Thường Tín triển khai và mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ an sinh xã hội, mua thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn” do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Bình thực hiện... đã giúp nhiều người có điểm tựa an sinh...

Thông qua những cách làm sáng tạo, sát sao, hy vọng Hà Nội sẽ hoàn thành các mục tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực thu hút người dân tham gia hệ thống an sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.