Xã hội

Chỉ 30% người cao tuổi được hưởng lương hưu: Cấp bách xây dựng chính sách an sinh

Minh Vũ 02/10/2023 - 06:30

Nhân Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023 (diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 31-10), cùng nhìn vào thực tế đời sống để thấy rõ hơn, ở độ tuổi càng cao, người dân càng cần có điểm tựa vững chắc về nhiều mặt, nhất là an sinh xã hội. Vì vậy, việc đưa người dân vào hệ thống hưu trí, giúp họ nhận về khoản tiền lương hằng tháng trong những năm tháng tuổi già là yêu cầu, đòi hỏi bức thiết.

luong-huu.jpg
Chi trả lương hưu cho người cao tuổi tại Nhà văn hóa tổ dân phố 6, phường La Khê (quận Hà Đông).

Hàng triệu người không có lương hưu

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Thạch (66 tuổi; ở phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) cho biết, bà và chồng bán hàng rong hơn 20 năm qua. Không có tích lũy, lương hưu, vợ chồng bà đành phải mưu sinh bằng công việc quen thuộc...

Cũng vì không có của để dành cho tuổi già, hằng ngày, ông Vũ Văn Quang (65 tuổi; ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) đến khu vực Bến xe Giáp Bát làm “xe ôm” chở khách. Nói về công việc, ông Quang lo lắng: “Sức khỏe của tôi ngày càng giảm, không thể làm nghề này lâu nữa. Giá như có lương hưu, thì giờ tôi có thể ngồi uống trà, chơi cờ với mấy ông hàng xóm”.

Hiện thành phố Hà Nội còn rất nhiều người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp, phải vất vả mưu sinh. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, các cơ quan chức năng đang chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho hơn 590.000 người, chi trả trợ cấp xã hội cho hơn 90.000 người. Tính chung, số người cao tuổi nhận tiền lương hằng tháng đạt khoảng 50% dân số là người cao tuổi.

Trên phạm vi cả nước, tỷ lệ người cao tuổi đang hưởng lương hưu và các khoản trợ cấp thấp hơn nhiều. Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 16 triệu người cao tuổi, nhưng mới có khoảng 5 triệu người đang hưởng lương hưu và các khoản trợ cấp, đạt tỷ lệ khoảng 30%. Đa số người cao tuổi thiếu điểm tựa từ các chính sách an sinh, không có khoản tích lũy, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn…

Chuyên gia nghiên cứu về bảo hiểm xã hội, đồng thời là giảng viên cao cấp của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Giang Thanh Long cho rằng, việc gia tăng tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu và các khoản trợ cấp là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh. Dự kiến đến năm 2038, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên khoảng 21 triệu người (tăng khoảng 5 triệu người so với hiện nay). Để lấp khoảng trống không có lương hưu, trợ cấp của nhiều người cao tuổi, Việt Nam cần có khung chính sách linh hoạt, hấp dẫn hơn, thu hút nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội.

Bổ sung, hoàn thiện chính sách về hưu trí

Để có tên trên hệ thống hưu trí và nhận về khoản tiền lương hưu, trợ cấp hằng tháng, việc đầu tiên và quan trọng nhất là người dân cần tham gia bảo hiểm xã hội đủ số năm cần thiết khi ở độ tuổi lao động.

Tạo cơ hội cho người cao tuổi có lương hưu, các ngành chức năng chủ động, nỗ lực thu hút thêm nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn tại Hà Nội, với những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ quan bảo hiểm xã hội ký kết quy chế phối hợp thực hiện chính sách với Đảng ủy Khối doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó các doanh nghiệp nêu cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Ở những địa phương có nhiều lao động làm công việc tự do, công tác tuyên truyền về tính ưu việt của bảo hiểm xã hội được lực lượng chức năng thực hiện theo hướng “mưa dầm, thấm lâu”, đến từng nhà, gặp từng người vận động tham gia. Việc giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần cũng được các bên phối hợp thực hiện. Kết quả, số người có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội gia tăng hằng năm. Đến cuối tháng 8-2023, Hà Nội có hơn 2,076 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần 20.000 người so với thời điểm cuối năm 2022, bằng 44% lực lượng lao động trong độ tuổi. “Với đà tăng đều, Hà Nội có nhiều cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu đạt 50% người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu có lương hưu và các khoản trợ cấp vào cuối năm 2025”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến nói.

Với những cách triển khai tương tự, số người tham gia bảo hiểm xã hội của các tỉnh, thành phố khác cũng gia tăng hằng năm. Đến thời điểm cuối tháng 8-2023, cả nước có gần 17,23 triệu người tham gia chính sách, bằng gần 40% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cùng với giải pháp tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, các cơ quan chức năng còn nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách về hưu trí. Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều bộ, ngành thống nhất đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm… Nếu những đề xuất này được thông qua và đi vào đời sống, mỗi năm, nước ta sẽ có thêm hàng trăm nghìn người cao tuổi nhận về khoản tiền lương hằng tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ 30% người cao tuổi được hưởng lương hưu: Cấp bách xây dựng chính sách an sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.