(HNM) - Hơn 7 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN) đã, đang có vị thế ổn định trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón nội địa...
Đóng bao sản phẩm phân đạm tại Nhà máy đạm Cà Mau. Ảnh: Sơn Hà |
Được thành lập tháng 3-2011, Công ty PVCFC đã quản lý và vận hành hiệu quả Nhà máy đạm Cà Mau (Khu công nghiệp cụm khí - điện - đạm Cà Mau, thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Đến nay, sau hơn 7 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy đạm Cà Mau luôn vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả với công suất năm sau cao hơn năm trước, khẳng định chiến lược đúng đắn khi PVN đầu tư xây dựng nhà máy tại Cà Mau, giúp giải tỏa "cơn khát" phân bón tại vựa lúa miền Nam.
Đánh giá về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017, kế hoạch năm 2018, ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc PVCFC cho biết, sản lượng sản xuất của nhà máy năm 2017 đạt mức kỷ lục với hơn 870 nghìn tấn sản phẩm được tiêu thụ, đưa về doanh thu 5.884 tỷ đồng, chính sách tiết giảm chi phí hiệu quả… tất cả mang lại lợi nhuận gộp năm 2017 gần 650 tỷ đồng. Nhà máy đã được nhận chứng chỉ vận hành liên tục hơn 350 ngày của Hãng Haldor Topsoe A/S (Đan Mạch).
Thành công này có được là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, đoàn kết của tập thể ban lãnh đạo nhà máy và trên hết là sự nỗ lực của chính người lao động. Sử dụng nguồn nguyên liệu khí từ mỏ PM3, đội ngũ kỹ sư lành nghề luôn vận hành nhà máy tối ưu với công suất 103 - 107%. Với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và coi trọng công tác nghiên cứu phát triển, công ty đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân sự cho công tác nghiên cứu và kinh doanh.
Việc không ngừng tìm tòi, sáng tạo, tối ưu hóa công nghệ đã giúp công ty tạo nên nhiều dòng sản phẩm mới phù hợp với đặc trưng thị trường, hợp thổ nhưỡng vùng miền. Bộ sản phẩm “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng” gồm đạm hạt đục Cà Mau, đạm đen N.Humate+TE, đạm xanh N46.Plus, NPK Cà Mau, DAP Cà Mau, Kali Cà Mau… mang nhiều đặc tính dinh dưỡng cho cây trồng đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nông dân trong từng mùa vụ. Minh chứng cho điều đó là công ty luôn tiêu thụ đạt tối đa toàn bộ sản phẩm ra thị trường. Công tác quản trị tốt đã giúp vị thế của PVCFC ngày càng được củng cố trong suốt những năm qua.
Một trong những yếu tố tạo nên thành công của thương hiệu Đạm Cà Mau hiện nay là công tác nhân lực. Ngay từ những ngày mới thành lập, công ty đã xác định con người là yếu tố cốt lõi. Bởi vậy, cùng với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, công ty còn không ngừng nâng cao chất lượng sống và môi trường làm việc cho cán bộ công nhân viên qua từng năm.
Chỉ tính trong năm 2017, công ty đã tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn, rèn luyện kỹ năng mềm cho 6.646 lượt người, với tổng kinh phí 14,6 tỷ đồng. Hàng loạt công trình nhà ở, phòng sinh hoạt tập thể, khu vực thể dục thể thao, đọc sách, khu vui chơi trẻ em… được xây dựng, chỉnh trang để người lao động ổn định cuộc sống, được rèn luyện, thư giãn cùng gia đình, qua đó nâng cao hiệu quả làm việc.
Điều đáng kể là, Đạm Cà Mau không ngừng đổi mới tư duy trong quản trị để điều hành tổ chức tốt nhất. Công ty đã xây dựng công cụ đánh giá năng lực (KPI) hiệu quả, tạo được niềm tin của người lao động và giúp họ yên tâm làm việc trong môi trường công bằng, minh bạch.
Gần nhất, chương trình “7 thói quen thành đạt" được Ban lãnh đạo triển khai như món quà đặc biệt dành cho đội ngũ nhân viên, giúp mỗi người có thêm hành trang tự rèn luyện từ suy nghĩ đến hành động để đạt đến những mục tiêu tốt đẹp.
Với vị thế hàng đầu về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón nội địa, Đạm Cà Mau đã có cuộc hành trình hơn 7 năm thành công, đáp ứng kỳ vọng của quốc gia và giữ trọn vẹn niềm tin với khách hàng, cộng đồng. Phía trước vẫn còn hàng loạt mục tiêu chiến lược, đạm Cà Mau tiếp tục nỗ lực, kiên định thực hiện bằng đường hướng cụ thể để chuẩn bị cho những sự phát triển có tính bước ngoặt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.