Thị trường

Nỗ lực ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu

Ngọc Quỳnh 17/12/2023 - 07:00

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm tăng cao. Vì vậy, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào nước ta diễn ra phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi trong nước và tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập các loại dịch bệnh nguy hiểm...

Do đó, đấu tranh, ngăn ngừa nguy cơ này đang được cơ quan chức năng nỗ lực triển khai.

thu-giu.jpg
Lực lượng chức năng thu giữ gia cầm giống nhập lậu tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh

Tình trạng nhập lậu diễn biến phức tạp

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000-250.000 tấn/năm. Như vậy, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tại 13 tỉnh có báo cáo đã phát hiện 131 vụ, bắt giữ 159.979 con, 43.912 quả trứng, 116.183kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn phát hiện 31 vụ với 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt, 8.532kg/sản phẩm động vật; tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ với 39.000 gia cầm giống, 347 gia súc, 16.012 quả trứng giống, 31.351kg/sản phẩm động vật; tỉnh Long An với 5 vụ, đã tiêu hủy 68 con lợn, 26 con bò... Thời điểm cuối năm, tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu càng diễn biến phức tạp.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn, dịp trước và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng rất cao. Mặt khác, tác động về giá sản phẩm động vật biến động ở các nước liền kề cũng như thị trường chung trên thế giới diễn ra khá mạnh, chênh lệch giá lớn, nên người kinh doanh, tiểu thương bằng nhiều hình thức tiếp tay cho việc nhập lậu qua biên giới. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng các điểm tiếp giáp, điểm thông quan tiểu ngạch, đường mòn để vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ các nước vào Việt Nam và ngược lại.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, trung bình mỗi ngày người dân thành phố tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt các loại, vào dịp Tết có thể tăng hơn 10% khiến công tác chống nhập lậu gia súc, gia cầm trên địa bàn gặp không ít khó khăn.

Nguyên nhân đến từ việc Hà Nội có nhiều tuyến đường cao tốc nối với các tỉnh, thành phố; nhiều tuyến đường mới mở, lối tắt không có chốt kiểm soát dẫn đến các phương tiện vận chuyển thường lựa chọn để di chuyển nhằm né tránh sự kiểm soát của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành.

Ngoài ra, do nhận thức và ý thức chấp hành quy định của pháp luật đối với các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật còn nhiều hạn chế, khiến việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là động vật giống gặp nhiều khó khăn.

Xử lý nghiêm vi phạm

Để hạn chế tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch điều tra thường xuyên, đột xuất nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý và tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép trên địa bàn. Cùng với đó, tổ chức thống kê đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết hợp thức hóa nguồn gốc động vật nhập lậu qua biên giới; phối hợp với cơ quan quản lý thú y địa phương truy xuất nguồn gốc động vật để thực hiện kiểm dịch vận chuyển từ các nơi về tiêu thụ.

Còn theo ông Tạ Văn Tường, thời gian tới, Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm công tác quản lý nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật nhập về Hà Nội; duy trì 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm soát gia súc, gia cầm ra vào trên địa bàn thành phố. Phối hợp với các địa phương tuyên truyền về nguy cơ xâm nhập và phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; vận động người dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, công tác chống buôn lậu, nhập lậu gia súc, gia cầm vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh, nên hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt. Do đó, đề nghị Bộ Công an tăng cường chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới. Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý…

“Các cơ quan chức năng địa phương tổ chức trực tại các chốt kiểm dịch 24/24h; phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp tiểu thương sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch khống và giả theo quy định của Luật Thú y. Các đơn vị của Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để theo dõi đối chiếu số liệu thống kê tổng đàn với số liệu đăng ký kiểm dịch vận chuyển để kịp thời phát hiện các biến động lớn liên quan đến nhập lậu động vật”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Với sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, tin tưởng rằng, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từng bước bị khống chế, ngăn chặn; góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn cả nước cũng như Thủ đô, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

o-hiep.jpg

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng):

Tập trung chống buôn lậu

Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu gia cầm, gia súc đã có những chuyển biến tích cực tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các nước khác. Công tác đấu tranh chống buôn lậu không hề đơn giản do phạm vi kiểm soát, quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp. Từ nay đến cuối năm, tình trạng buôn bán động vật không rõ nguồn gốc sẽ diễn biến phức tạp do nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao của người tiêu dùng. Do đó, ngành chăn nuôi và thú y cần có giải pháp căn cơ, như: Xây dựng các trang trại lớn, quy mô công nghiệp, sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, nhằm kiểm soát dịch bệnh và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để giải quyết tình trạng nhập lậu.

Về phía lực lượng bộ đội biên phòng, sẽ tiếp tục phối hợp tốt, có hiệu quả với các địa phương, các cơ quan chức năng tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội và bình ổn thị trường.

o-dang.jpg

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Phạm Kim Đăng:

Sản xuất giống trong nước cung ứng đủ nhu cầu

Mặc dù kinh tế khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, nguồn cung bị đứt gãy nhưng ngành chăn nuôi vẫn đạt được sự tăng trưởng ổn định từ 4,5% đến 6% trong 5 năm qua. Với khả năng sản xuất hiện nay, Việt Nam có thể cung ứng đủ nhu cầu về con giống nên việc nhập lậu thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất, chăn nuôi trong nước. Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục đối diện với những khó khăn, do tình hình thế giới diễn biến khó lường, biến đổi khí hậu, năng lực phục vụ của các cơ sở trong nước chưa bảo đảm... Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp để hỗ trợ cho hoạt động chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung trong nước, xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững. Bên cạnh đó, các lực lượng liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý hoạt động buôn bán, động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ các tỉnh biên giới vào Việt Nam.

o-tuan.jpg

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn:

Nhập lậu làm gia tăng rủi ro về dịch bệnh và giá thành

Hiện tại, hoạt động chăn nuôi thường bị tác động bởi 2 yếu tố là dịch bệnh và giá thành. Việc nhập lậu con giống, sản phẩm động vật sẽ làm gia tăng rủi ro của 2 yếu tố trên, do hàng nhập lậu không được kiểm dịch, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh từ nước khác xâm nhập vào Việt Nam...

Nhập lậu gia súc, gia cầm không chỉ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh mà còn tác động đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, do vậy cần kiên quyết xử lý...

Đáng mừng là thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng chức năng đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp nên lượng gia súc, gia cầm nhập lậu vào nước ta đã suy giảm nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là công tác phòng, chống buôn lậu. Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát thường xuyên, liên tục để ngăn chặn triệt để hoạt động nhập lậu gia súc, gia cầm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Quỳnh Dung ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.