Ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000-250.000 tấn/năm. Như vậy, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Chiều 17-10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000-250.000 tấn/năm. Như vậy, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do đó, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, xác định là địa bàn trọng điểm có buôn lậu, các cấp, các ngành của tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp quyết liệt chống buôn lậu, thu hút doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng gồm bộ đội biên phòng, công an, quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nội địa.
Cụ thể, Lạng Sơn đã xử phạt vi phạm hành chính trên 214 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính, gồm: 101.800 con gà/vịt giống, 8.532kg sản phẩm từ gia cầm các loại (1.732kg chân gà, 270kg đùi gà bảo quản đông lạnh, 4.000kg vịt thịt nguyên con đã qua giết mổ bảo quản đông lạnh, 2.530 chân gà đóng túi hút chân không)...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ, điều quan trọng hiện nay là thực hiện đúng Công điện số 426/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Không chỉ ở khu vực biên giới, cả trong nội địa, các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp cùng ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
Việc ngăn chặn gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm vi phạm.
Đối với một số hoạt động trinh sát, đấu tranh, bắt giữ các vụ vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm nhập lậu, lực lượng chức năng cần chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí ghi lại tư liệu, chủ động tuyên truyền bảo đảm tính cập nhật và minh bạch thông tin, tránh tình trạng “án đã xử” nhưng người dân không biết. Từ đó, dẫn tới sự nhìn nhận chưa đầy đủ về nỗ lực của các lực lượng chức năng và không tạo ra sự răn đe đối với đối tượng có ý định nhập lậu gia súc, gia cầm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.