Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm

Ngọc Quỳnh| 14/05/2023 06:16

(HNM) - Thời gian qua, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước và nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Để ngăn chặn tình trạng này, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm cung cấp cho thị trường thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Lực lượng chức năng kiểm tra gia cầm sống buôn bán tại chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Ảnh: Đình Huệ

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, có thông tin cho rằng, gà thải loại của Thái Lan vận chuyển bằng đường bộ qua Lào vào Việt Nam rất nhiều, nhất là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Không chỉ vậy, có nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi, như: Chân, đầu, cổ, cánh, nội tạng gia súc, gia cầm, thậm chí các sản phẩm chăn nuôi đó có sử dụng chất cấm…, nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn các sản phẩm gia cầm theo đường chính ngạch. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, gà giống dùng để làm thịt nhập về Việt Nam lên tới 1.120 tấn và lượng thịt gia cầm đã qua giết mổ nhập về là 47.817 tấn.

“Nếu như không kiểm soát tốt, gia cầm lậu tràn vào, nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, gây ra các ổ dịch bệnh động vật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe của người dân”, ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên, hiện Việt Nam vẫn nhập một lượng lớn gia cầm sống, gia cầm qua giết mổ, trong khi giá gia cầm thời gian qua lại liên tục giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chăn nuôi trong nước. Không những vậy, nếu lực lượng chức năng không kiểm soát chặt chẽ sẽ có nhiều sản phẩm gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ bán trên thị trường, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, với đường biên giới cả trên đất liền và trên biển rất dài, Việt Nam luôn tiềm ẩn nguy cơ sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng có thể được đưa qua biên giới vào nước ta. 

Giám sát chặt chẽ việc buôn bán gia cầm

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) Nguyễn Đăng Thênh, xã có chợ gia cầm Hà Vỹ, một trong những chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 40-50 tấn gia cầm và dịp Tết có thể lên tới 100 tấn/ngày. Để kiểm soát chặt chẽ gia cầm sống buôn bán tại chợ, xã đã phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của tiểu thương trong chợ kinh doanh sản phẩm gia cầm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. 

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm từ gia cầm lưu thông trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát tại địa bàn khu vực các chợ, như chợ gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) và kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc trứng, gia cầm giống tại khu vực xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) - nơi có Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, được coi là trung tâm ấp nở buôn bán gia cầm giống…

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho rằng, ngoài việc giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, Cục còn chỉ đạo hệ thống quản lý chất lượng ở địa phương phối hợp chặt chẽ với hệ thống thú y và lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc buôn bán gia cầm, giúp bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Cùng với đó, tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển, bày bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối; tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm và sản phẩm gia cầm...

“Nhằm tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu, ngoài việc tuân thủ các điều kiện đã ký kết về thương mại, Việt Nam cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn để ngăn chặn các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Điều này sẽ bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi trong nước”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.