Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm

Vũ Thủy| 24/01/2017 07:08

(HNM) - Trước những kiến nghị của cử tri về việc các cấp chính quyền còn chậm phát hiện, xử lý những vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), gây lo lắng trong nhân dân, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố tiến hành đợt khảo sát chuyên đề về lĩnh vực này ở một số chợ, cơ sở sản xuất thực phẩm dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Qua khảo sát cho thấy, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đã có chuyển biến hơn, song vẫn còn nhiều việc phải làm.

Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số chợ, cơ sở sản xuất thực phẩm dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Ảnh: Anh Tuấn


Chuyển biến bước đầu

Bún là mặt hàng người dân ăn hằng ngày, nên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố quyết định chọn phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) - chuyên sản xuất bún bán ra thị trường để khảo sát. Theo Chủ tịch UBND phường Phú Đô Nguyễn Thị Hường, trên địa bàn phường có 622 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 435 cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bún mỗi ngày. UBND phường đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATTP gồm 30 thành viên; ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Trong đó, BCĐ chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP đến 3 nhóm đối tượng: Quản lý; trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm; người tiêu dùng. Cũng do làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP, nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bún đã từng bước khắc phục tồn tại, ngày càng bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, cho biết, qua khảo sát, lấy một số mẫu thử đều hiển thị kết quả đạt tiêu chuẩn cho phép. Dù vậy, nhu cầu sử dụng bún của nhân dân trong dịp cuối năm là rất lớn, nên Đoàn đã đề nghị UBND phường Phú Đô làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện cơ sở vi phạm cần xử lý nghiêm.

Tại chợ đầu mối Long Biên có 1.188 hộ kinh doanh rau, củ, quả, thủy hải sản. Trưởng ban Quản lý chợ Đàm Đình Dũng cho biết, đặc thù chợ buôn bán mặt hàng hoa quả, nông sản, thực phẩm cả trong nước và nhập khẩu, đa dạng chủng loại, nên công tác quản lý ATTP, nguồn gốc hàng hóa rất khó khăn. Đơn cử như đối với hàng hóa nhập khẩu, một lô hàng nông sản, thực phẩm thường có số lượng lớn từ 10 đến 20 tấn, quá trình vận chuyển, tiểu thương chia bán cho nhiều chủ kinh doanh, xe hàng về đến chợ Long Biên thường chỉ còn 1 đến 2,5 tấn. Vì vậy, khi lực lượng kiểm tra yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì chủ hàng chỉ có thể cung cấp được bản phô tô hồ sơ nhập khẩu, vẫn khó kiểm soát.

Quản lý chặt từ nơi sản xuất

Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, nên tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các tỉnh khác vào địa bàn Hà Nội có diễn biến phức tạp. Vì thế, rất cần các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát trên các tuyến đường giao thông hướng vào Hà Nội để hạn chế mức thấp nhất thực phẩm không bảo đảm an toàn về Hà Nội. Ông Đàm Đình Dũng, Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên kiến nghị, để quản lý, xác định được nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ từ nơi sản xuất, nuôi trồng và các cửa khẩu.

Hiện nay, TP Hà Nội đã đầu tư một số xe chuyên dùng để xét nghiệm thực phẩm lưu thông. Cùng với đó, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, cảnh báo, điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP. Mới đây, UBND thành phố đã có Kế hoạch 230/KH-UBND nhằm tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP trong dịp Tết 2017, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP theo quy định hiện hành. Để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc trong dịp Tết, UBND thành phố chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra ATTP, bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Rau, thịt, rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, dịch vụ ăn uống. Mặt khác, thành phố tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tại làng nghề, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị. Ngoài ra, UBND thành phố cũng tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về nhãn mác lưu thông trên thị trường.

Theo cử tri, ngoài các giải pháp nêu trên, các đoàn kiểm tra nên vào tận nơi sản xuất để kiểm tra thực phẩm được chế biến như thế nào, chất lượng ra sao. Có như vậy mới kiểm soát được tận gốc ATTP.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.