Thế giới

Nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán thống nhất đảo Síp: Tia hy vọng mong manh

Đoàn Thế 28/01/2024 - 07:01

Vấn đề chia cắt của Cộng hòa Síp một lần nữa lại thu hút sự chú ý của dư luận thế giới khi đặc phái viên mới được bổ nhiệm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Maria Angela Holguin Cuellar thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới nước này.

Chuyến công du nhằm xem xét, đánh giá khả năng khôi phục các cuộc đàm phán thống nhất 2 miền Bắc và Nam của quốc gia này, vốn đã đình trệ trong thời gian dài.

dao-sip.jpg
Những năm qua, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã có nhiều cuộc đàm phán về mô hình nhà nước của đảo Síp.

Ngay trước thềm chuyến thăm, Chính phủ Síp đã ban hành gói 14 biện pháp nhằm gia tăng lòng tin với người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cam kết đẩy nhanh quá trình nộp đơn xin quốc tịch, cung cấp nhiều cơ hội đào tạo nghề và cho phép tiếp cận dễ dàng hơn với các địa điểm thờ cúng của người Hồi giáo. Gói biện pháp cũng có kế hoạch cung cấp các loại thuốc cần thiết khẩn cấp, mở rộng thương mại hàng hóa giữa miền Bắc ly khai và miền Nam được quốc tế công nhận, đồng thời nới lỏng các tuyến giao cắt Bắc - Nam tại 8 trạm kiểm soát dọc theo vùng đệm dài 180km do Liên hợp quốc quản lý.

Tuy nhiên, ông Ersin Tatar, lãnh đạo người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc hồi đầu tuần đã bác bỏ các biện pháp này, đồng thời cho rằng, Chính phủ Síp ở miền Nam đang cố gắng áp đặt chủ quyền và khuất phục người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ thông qua chính sách nói trên.

Nhìn lại lịch sử, Síp bị chia cắt thành 2 miền Bắc - Nam từ năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào kiểm soát 1/3 diện tích phía Bắc của hòn đảo và ủng hộ thành lập nhà nước "Cộng hòa miền Bắc đảo Síp" tự xưng vào năm 1983. Đây là động thái đáp trả một cuộc đảo chính tại Síp, được cho là có sự hậu thuẫn của Hy Lạp để ủng hộ những người Síp gốc Hy Lạp. Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ kéo theo một thập kỷ căng thẳng và bạo lực giữa 2 miền.

Hiện tại, 2/3 diện tích hòn đảo ở phía Nam là nhà nước được cộng đồng quốc tế công nhận, là thành viên của Liên hợp quốc từ năm 1960, đồng thời cũng là thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2004. Còn 1/3 hòn đảo Bắc Síp ly khai chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.

Nhiều năm qua, với nỗ lực của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra nhằm thống nhất đảo Síp trở thành mô hình nhà nước liên bang. Vòng đàm phán gần đây nhất về vấn đề này kết thúc vào năm 2017 mà không đạt được kết quả đột phá nào. Đại diện cộng đồng gốc Hy Lạp kiên quyết yêu cầu phía người gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải hoàn trả một phần lãnh thổ hiện nay và cho phép nhiều người gốc Hy Lạp được trở về nhà cũ mà họ đã phải rời bỏ năm 1974. Cộng đồng Síp gốc Hy Lạp cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút toàn bộ binh sĩ của mình khỏi hòn đảo.

Ngược lại, người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, cách duy nhất để đạt được hòa bình là thỏa thuận hình thành hai nhà nước độc lập và ủng hộ sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc đảo. Lập trường của phía Bắc càng trở nên cứng rắn sau khi bầu nhà lãnh đạo mới vào năm 2020, ông Ersin Tatar. Trong một phát biểu mới đây, người đứng đầu khu vực ly khai cho rằng, các kế hoạch thành lập nhà nước liên bang đã được thảo luận trong suốt 5 thập kỷ mà không đạt được bước tiến nào. Do đó, Liên hợp quốc và EU cần tìm giải pháp khác cho vấn đề này.

Sự việc trở nên phức tạp hơn khi 3 năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thay đổi quan điểm, từ việc ủng hộ thống nhất đảo Síp theo mô hình liên bang chuyển sang kêu gọi các quốc gia khác trên thế giới công nhận nền độc lập của “Cộng hòa miền Bắc đảo Síp" và ủng hộ việc đáp ứng các yêu sách chủ quyền của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ tương đương với người Síp gốc Hy Lạp.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng trong khu vực, có nghĩa là chỗ dựa của khu vực ly khai Bắc Síp càng trở nên vững chắc, khả năng thuyết phục các nhà lãnh đạo vùng này ngồi vào bàn đàm phán sẽ không dễ dàng.

Dư luận quốc tế lo ngại, tình trạng chia cắt kéo dài tại đảo Síp cùng bế tắc của tiến trình đàm phán sẽ kéo theo nhiều quốc gia liên quan, khiến căng thẳng lan rộng trong khu vực. Bằng chứng là, nửa thế kỷ qua, vấn đề đảo Síp vẫn luôn khiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trở nên “băng giá”, dù đây là hai quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cũng vì quan điểm ủng hộ miền Bắc Síp độc lập, Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu không ít chỉ trích từ EU.

Theo các nhà phân tích, với những gì đang diễn ra, sứ mệnh khởi động lại tiến trình đàm phán tại Cộng hòa Síp sẽ vô cùng khó khăn và chuyến thăm của đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Maria Angela Holguin Cuellar tới quốc đảo Síp lần này chỉ mang đến một tia hy vọng mong manh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán thống nhất đảo Síp: Tia hy vọng mong manh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.