(HNMO) - Ngày 16-12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 12 (khóa XII).
Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022; Chương trình công tác công đoàn năm 2023.
Hội nghị cũng sẽ cho ý kiến vào Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12-1-2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về "Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới"; Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10b/NQ-BCH ngày 12-1-2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI về "Nâng cao hiệu quả công tác pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới"; Dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19-12-2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn và nhiều nội dung quan trọng khác.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu từ thực tiễn công tác tại đơn vị, đóng góp, bổ sung các nhận định, đánh giá về tình hình, các kết quả đã đạt được, phân tích chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022.
Đồng thời, dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến vào chương trình công tác năm 2023 nhất là về các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để từ những năm tiếp theo, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn sẽ ban hành chương trình công tác hằng năm nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, là cơ sở để tham mưu cấp ủy chỉ đạo sát và hiệu quả hơn hoạt động công đoàn.
Thông tin đáng lưu ý, năm 2022, hoạt động công đoàn có nhiều khởi sắc. Những tháng cuối năm 2022 xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng, trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Trước tình hình đó, công đoàn các tỉnh, ngành đã chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp; tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động; tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; bảo đảm chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể.
Bên cạnh đó, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động; kết nối các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động.
Trong chương trình làm việc, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình Ban Chấp hành, đề nghị bầu bổ sung 11 Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII.
Kết quả, tại hội nghị, 11 đồng chí đã được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.