Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực cứu nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy

Phạm Văn Khánh| 27/03/2013 06:42

(HNM) - Việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy hướng tới sự phát triển bền vững đã được các bộ, ngành, chính quyền các địa phương thuộc lưu vực hai con sông này quan tâm.

Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy. Ảnh: Bá Hoạt


Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nội. Với 7.388km2, đây là vựa lúa lớn thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Trên địa bàn Hà Nội, sông Nhuệ dài 64km, bắt nguồn từ cống Liên Mạc, huyện Từ Liêm đến xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa; sông Đáy dài gần 100km, từ xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ đến xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội các địa phương nằm trong lưu vực sông Nhuệ - Đáy mạnh, góp phần nâng cao đời sống người dân... Tuy nhiên, ngoài lợi ích mang lại từ nguồn tài nguyên thì tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân, do nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý thải trực tiếp vào lưu vực đã tác động đến chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy (các chỉ số BOD, COD, NH, amoni... vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 15 lần, thậm chí có vị trí vượt quá 70 lần). Tình trạng đổ phế thải, rác thải xuống sông diễn ra phổ biến; hoạt động lấn chiếm, xây dựng trái phép hai bên sông cũng diễn ra phức tạp...

Với chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề xuất với UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản pháp luật bảo vệ môi trường, trong đó Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy được quan tâm hàng đầu. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở 100% xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao trách nhiệm và huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn hàng chục nghìn gia đình sinh sống dọc tuyến đầu nguồn sông Tô Lịch dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước thải tại nguồn, trước khi thải ra sông. Vì vậy, chất lượng nước sông đầu nguồn được cải thiện, giảm đáng kể mùi khó chịu…Việc quan trắc đánh giá chất lượng và lưu lượng xả thải tại các cửa xả thải trực tiếp vào sông Nhuệ, sông Đáy được quan tâm thực hiện. Riêng năm 2012, đã tiến hành quan trắc chất lượng nước mặt tại 26 điểm trên sông Nhuệ, 14 điểm sông Đáy... Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lắp đặt thiết bị camera giám sát thường xuyên dòng chảy tại đập Thanh Liệt, huyện Thanh Trì và tiến hành khảo sát lưu vực sông Nhuệ - Đáy, chọn vị trí lắp đặt hai trạm quan trắc nước tự động. Qua đó, phát hiện nồng độ ô nhiễm và chỉ đạo kịp thời các địa phương tìm giải pháp khắc phục.

Những năm gần đây, nhiều dự án, kế hoạch xử lý ô nhiễm nước sông, hồ khu vực nội thành; nước thải khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề được đầu tư thực hiện. Trong số 19 cơ sở nằm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy trong danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng, có 18 cơ sở đã thực hiện xong các biện pháp xử lý ô nhiễm theo quy định, hiện chỉ còn 1 cơ sở đang trong quá trình vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải. Tại một số huyện việc thí điểm đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải vệ sinh đã phát huy tác dụng. UBND TP Hà Nội cũng đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án: Xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô công suất 84.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày đêm; đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức công suất khoảng 13.000m3/ngày đêm; xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề huyện Hoài Đức, công suất 12.000m3/ngày đêm; dự án Cụm đầu mối Liên Mạc; cụm công trình đầu mối trạm bơm Yên Nghĩa; trạm bơm Đông Mỹ, Ngoại Độ 2, Yên Thái tiêu thoát nước cho các quận, huyện; Dự án nạo vét sông Đáy; nạo vét, cải tạo, nâng cấp lòng dẫn, nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang, nâng cấp công trình trên sông Nhuệ... Trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động mang lại kết quả khả quan đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tham mưu với UBND TP Hà Nội ban hành các văn bản pháp luật bảo vệ môi trường, nhất là các chương trình, dự án thuộc Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường sông Nhuệ - Đáy.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực cứu nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.