Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực cứu hộ, mong sớm có tin vui

Thanh Tàu| 18/12/2014 06:19

(HNM) -

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực cứu công nhân bị mắc kẹt.


Đêm trắng cứu người

Tính đến hết đêm qua 17-12, 12 công nhân của đơn vị thi công đã bị mắc kẹt trong hầm sâu của Thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo hơn 46 tiếng đồng hồ. Và cũng từng ấy thời gian, hàng trăm người của lực lượng cứu hộ bên ngoài gồng hết sức mình để cứu người, giữa trời mưa buốt lạnh thấu xương.

Ngồi thất thần trước cửa đường hầm, anh Nguyễn Văn Quân (quê Hà Tĩnh, cũng là công nhân đơn vị thi công đường hầm) nghẹn giọng cho chúng tôi hay, em trai anh là Nguyễn Văn Quang đang mắc kẹt bên trong lớp đất đá dày 300-500 mét kia. Quân bảo, không bao giờ quên thời điểm kinh hoàng 7h sáng ngày 16-12, lúc hầm bị sập. "Quang nó làm việc trong hầm, còn tôi và anh em công nhân khác được giao nhiệm vụ ra khu vực gần cửa đường hầm di chuyển thép vào khu vực thi công nhà máy. Đang dở việc thì nghe tiếng hô hoán: "Sập, sập, sập hầm, sập hầm…". Tôi và anh em chạy tới đã thấy đất đá sụp xuống che lấp một đoạn hầm. Chúng tôi dùng mọi thứ, cuốc, xẻng đào bới nhưng càng đào, đất càng sụt lún. Sau cả tiếng đồng hồ đào bới trong vô vọng, chúng tôi phải dừng lại vì sợ lở đất…".

Lực lượng cứu hộ tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng có mặt ứng cứu. Trời đổ mưa tầm tã. Nhiệt độ khu vực này xuống 14 độ C, buốt đến thấu xương. Nhóm cứu hộ tầm tã trong mưa, giá rét, bằng mọi cách cứu người mắc kẹt. "Nước lên đến, lên đến…!". Từng tiếng nói vọng ra qua đường ống thông khí khiến lòng người bên ngoài thêm thắt lại.

Gạt nước mưa buốt lạnh trên khuôn mặt lấm lem đất bùn, anh Lê Văn Thắng (quê Nam Định, công nhân nhà máy tham gia cứu hộ) hổn hển nói : "Không chỉ lực lượng chuyên nghiệp, tất cả anh em chúng tôi cũng làm, bằng mọi cách, mọi giá, để cứu các anh em trong hầm. Đây là những anh em công nhân sống và làm việc với nhau gần một năm nay, coi nhau như người trong nhà".

Không chỉ những người đang trực tiếp cứu hộ cứu nạn lăn mình giữa giá buốt. Vuốt nước mưa ròng ròng trên mặt, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nói với chúng tôi. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi điện cho tôi, chỉ đạo phải tìm cách nhanh nhất để cứu các nạn nhân ra, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ cũng như rút kinh nghiệm cho việc triển khai các công trình tương tự".

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại hiện trường.


Ngày 17-12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có mặt tại hiện trường cùng các ban, ngành, lực lượng chức năng. Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, tới giờ này, mọi lực lượng có kinh nghiệm trong việc cứu nạn đã được huy động. "Không chỉ lực lượng cứu hộ cứu nạn, chiều tối 17-12, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội đã liên lạc với chúng tôi đề nghị được tham gia công tác cứu hộ. Họ nói họ có thiết bị có thể khoan ống đường kính 30cm thẳng từ trên đỉnh đồi xuống đường hầm, nếu chiều cao 70m thì chỉ khoan trong hai giờ nếu không gặp đá tảng. Tỉnh đã đồng ý để doanh nghiệp này đến để phối hợp cứu nạn". Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho chúng tôi hay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: Khi các nạn nhân được giải cứu, bộ phận y tế tại chỗ sẽ chia tổ làm việc, trong đó có 1 tổ chuyên hồi sức cấp và cấp oxy được tiếp cận hiện trường trong phạm vi 500 mét để kịp thời sơ cứu".

"Nước trong khu vực hầm bị sập đang dâng cao. Mục tiêu chính lúc này là phải tìm mọi cách hút nước ra! Song song với việc khoan 2 phía vào khu vực sập thì có phương án nữa là tiến hành khoan (kiểu khoan giếng) từ trên đỉnh đồi xuống khu vực sập (sâu khoảng 60 mét) để tiếp tế quần áo, nhu yếu phẩm cho các công nhân", Đại tá Hoàng Công Thạo - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng hối hả chỉ đạo lực lượng cứu hộ thay đổi biện pháp theo diễn biến tình hình. Sau khi nhận thông tin từ trong hầm sập đưa ra, tham khảo các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ khẽ thở phào nói với chúng tôi: "12 anh em công nhân vẫn khỏe. Dù nước vẫn đang dâng lên nhưng mọi người đã tìm được những vị trí cao để bám trụ. Với tốc độ nước dâng lên như hiện nay, phải đến vài ngày mới có thể gây nguy hiểm cho anh em trong hầm. Trong khoảng thời gian này, chắc chắn lực lượng cứu hộ sẽ khoan đến nơi, hút nước ra ngoài"!

Nhiều phương án cứu hộ đã được triển khai.


Cầu nối đặc biệt

Đó là đường ống sắt thông khí từ bên ngoài vào khu vực hầm bị sập. Đây là cầu nối giao tiếp giữa người trong với người bên ngoài, là đường tiếp tế thực phẩm cho công nhân đang chờ từng giây phút trở về với gia đình.

"Lúc lực lượng cứu hộ đưa được ống đó vào, tôi nhào tới, gào, hét vào đường ống hy vọng anh em bên trong nghe tiếng. Rồi tôi nghe tiếng em tôi vọng ra, hổn hển đứt quãng "Em thở dễ hơn rồi. Em thấy mệt lắm… Nước dâng lên rồi, qua đầu gối…. Dâng lên nữa rồi, ngang hông rồi… Lạnh lắm, buốt lắm!". Anh Nguyễn Văn Quân (công nhân nhà máy đang tham gia cứu hộ) nghẹn ngào kể lại! Quân và em trai cùng vào Lâm Đồng làm chung công trình từ cách đây 5 tháng nhưng rất ít khi gặp nhau do khác công việc. Chỉ vào ngày cuối tuần nghỉ ngơi, hai anh em mới trò chuyện lâu được!

Trong 12 người đang mắc kẹt có một phụ nữ. Ngóng đôi mắt vào đường ống dẫn khí nghe tiếng vợ yếu ớt vọng ra, giữa tiếng máy khoan rầm rầm, anh Bắc không cầm được nước mắt: "Nằm trong hầm 2 ngày rồi, không biết giờ này vợ tôi như thế nào? Cầu xin trời đất để vợ tôi không sao". Lời nói trong nước mắt của anh khiến chúng tôi lặng lại. Nhiều người dân địa phương chứng kiến đã khóc!

Đêm Lạc Dương lạnh buốt! Hàng trăm người tham gia cứu hộ vẫn dầm mình trong mưa và giá rét với hy vọng sớm cứu được những người mắc kẹt.

Danh sách 12 nạn nhân vụ sập hầm Đạ Dâng:

1. Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981, quê Hà Tĩnh)
2. Phạm Xuân Đăng (SN 1964, quê Vĩnh Phúc)
3. Nhỡ Văn Tường (SN 1986, quê Hà Nam)
4. Hoàng Tiến Đoàn (SN 1989, quê Nam Định)
5. Hoàng Anh Văn (SN 1980, quê Nam Định)
6. Phạm Viết Lành (SN 1994, quê Nghệ An)
7. Phạm Viết Nam (SN 1973, Nghệ An)
8. Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988,quê Nghệ An)
9. Trương Tuấn Việt (SN 1984, quê Hà Nội)
10. Hoàng Đình Hường (SN 1984, quê Nam Định)
11. Hoàng Đình Thịnh (SN 1986, quê Nam Định)
12. Nguyễn Văn Quang (SN 1995, quê Hà Tĩnh)
Tổng Công ty Sông Đà cử lực lượng chuyên ngành công trình ngầm ứng cứu sự cố

(HNM) - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Đà đã cử một Phó Tổng Giám đốc trực tiếp có mặt tại hiện trường sự cố sập hầm dẫn nước thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng) và giao đầu mối là Ban Kỹ thuật công nghệ phối hợp nắm tình hình, cùng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tham gia cứu hộ. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Đà yêu cầu các đơn vị chuyên ngành công trình ngầm là Sông Đà 10, Sông Đà 5 tập trung lãnh đạo, công nhân có kinh nghiệm và thiết bị chuyên dùng có mặt tại hiện trường để tham gia ứng cứu. Công ty CP Sông Đà 7 điều cán bộ, công nhân đang thi công thủy điện Yantansien (Lâm Đồng) đến hỗ trợ...

Y Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực cứu hộ, mong sớm có tin vui

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.