(HNM) - Dù Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc nhưng tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được cải thiện.
Nếu đúng kế hoạch, quý I - 2014, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần ban hành 90 văn bản quy định chi tiết, trong đó có 58 văn bản nợ từ cuối năm 2013 chuyển sang và 32 văn bản mới phát sinh. Tuy nhiên, đến ngày 17-3 còn 70/90 văn bản chưa được ban hành (chiếm 77,78%). Ngoài chuyện văn bản chậm ban hành, nợ đọng gia tăng, còn xuất hiện tình trạng chất lượng văn bản chưa cao; có văn bản vừa ban hành đã bị dư luận phản ánh nội dung chưa phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Theo giải thích của hầu hết các bộ, nguyên nhân là có một số lượng lớn văn bản "nợ đọng" từ cuối năm 2013 chuyển sang. Trong khi đó, việc chuyển giao, tiếp nhận phòng kiểm soát thủ tục hành chính từ văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ sang tổ chức pháp chế của các bộ vẫn thiếu nhịp nhàng.
Trên thực tế cũng cho thấy, việc hoàn thiện tổ chức pháp chế, xây dựng văn bản nhanh hay chậm, đạt hay không đạt chất lượng tùy thuộc quyết tâm của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, đặc biệt là người đứng đầu. Còn như hiện nay, theo đánh giá của Chính phủ, trên 50% cán bộ ở bộ phận pháp chế các bộ không có kiến thức chuyên ngành luật. Hơn nữa, theo yêu cầu của Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân thuộc bộ, ngành mình trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Nhưng việc này thường được các bộ giao cho các thứ trưởng, lại không coi đó là vấn đề ưu tiên giải quyết. Kết cục, trong công tác chỉ đạo và tổ chức xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, nhiều bộ, ngành chưa chủ động, khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản theo ý kiến của thành viên Chính phủ. Rất ít văn bản được ban hành bảo đảm nguyên tắc có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh. Có trường hợp chậm ban hành nhiều năm như Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 nhưng ba năm sau, Nghị định quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Nghị định quy định chi tiết về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính vẫn ở giai đoạn khởi động.
Việc xây dựng, ban hành văn bản, thông tư, thông tư liên tịch theo quy định hiện hành vẫn giao hoàn toàn cho các bộ, cơ quan ngang bộ, chưa có cơ chế kiểm tra rà soát từ phía Chính phủ. Bộ Tư pháp là cơ quan gác cổng pháp luật cũng không được giao thẩm định số văn bản này. Cứ đà này, khó có thể hy vọng một cuộc "lột xác".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.