(HNMO) - Sau gần 20 năm hợp tác dưới dạng liên minh, Nissan và Renault cuối cùng đã khởi động đàm phán, tiến tới hợp nhất thành một công ty duy nhất.
Ông Carlos Ghosn sẽ vẫn là lãnh đạo cao nhất của công ty mới sau sáp nhập. |
Hiện tại, chưa rõ quá trình đàm phán sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, chắc chắn rằng sau động thái hợp nhất, liên minh Renault - Nissan và gần đây là Mitsubishi sẽ chấm dứt. Hiện tại, tập đoàn được biết đến với những chiếc Pajero nổi tiếng đang thuộc quyền điều hành của Nissan (kể từ năm 2016).
Theo nguồn tin ẩn danh của Bloomberg, mục tiêu của hãng xe Nhật Bản và đối tác Pháp là để tạo thành một công ty có quy mô lớn hơn, có niêm yết trên sàn chứng khoán, nhằm cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ khổng lồ như Toyota hay Volkswagen.
Bên cạnh đó, nó cũng cho phép tạo ra nguồn tài nguyên tập trung và lớn hơn cho việc phát triển xe điện, xe tự hành và các dịch vụ chia sẻ xe. Nissan cũng sẽ chia cổ phần của công ty mới cho các cổ đông của Renault, và ngược lại. Dĩ nhiên, công ty mới sẽ vẫn do ông Carlos Ghosn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hiện tại của liên minh, điều hành.
Dĩ nhiên, việc sáp nhập hai công ty lớn, có lịch sử lâu đời là điều không dễ dàng gì, đặc biệt là về địa chính trị. Hiện nay, chính phủ Pháp đang sở hữu khoảng 15% cổ phần của Renault. Cũng giống với chính phủ Nhật Bản, Paris sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền của mình ở một thương hiệu "cây nhà lá vườn".
Tuy nhiên, Reuters cho biết ông Ghosn hiện đã đề xuất mua lại phần lớn cổ phần của chính phủ Pháp tại Renault để thắt chặt quan hệ giữa hai công ty. Nissan đang sở hữu 15% của đối tác Pháp, trong khi Renault sở hữu 43% của đối tác Nhật Bản. Năm 2016, Nissan đã chi 2,3 tỷ USD để sở hữu 34% cổ phần của Mitsubishi nhằm tiến tới chia sẻ nền tảng, công nghệ, dây chuyền sản xuất và các tài nguyên khác với "đồng hương".
Hiện tại, liên minh đang tiến hành thành lập một quỹ công nghệ di động 200 triệu USD để đầu tư vào các đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực này, động thái cho thấy ngành công nghiệp ô tô đang có những bước chuyển mình hết sức mạnh mẽ.
Trong bối cảnh ấy, bất cứ tay chơi nào, dù to lớn tới đâu nếu không kịp thời thay đổi sẽ bị bỏ lại phía sau. Đây là thực tế cay đắng đã từng xảy ra với nhiều đại gia trong lĩnh vực công nghệ, mà Nokia hay BlackBerry là những điển hình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.