Theo Reuters ngày 30-7, các nhà lãnh đạo quân sự ở Niger đã cảnh báo chống lại bất kỳ sự can thiệp vũ trang nào vào nước này, khi các nhà lãnh đạo Tây Phi dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để quyết định các hành động tiếp theo nhằm gây sức ép buộc quân đội khôi phục trật tự hiến pháp sau cuộc đảo chính diễn ra hôm 27-7.
Các nguyên thủ quốc gia của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh tiền tệ và Liên minh kinh tế tiền tệ Tây Phi (WAEMU) sẽ gặp nhau ở Nigeria và có thể đình chỉ tư cách thành viên của Niger hoặc đóng cửa biên giới.
Các nhà lãnh đạo Tây Phi đang tập trung vào các cách thức để phục hồi tư cách Tổng thống cho ông Mohamed Bazoum, người đã bị lật đổ khi tướng Abdourahamane Tchiani được tuyên bố là lãnh đạo mới của Niger.
Cuộc đảo chính quân sự ở Niger đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi, nhiều quốc gia đã từ chối công nhận các nhà lãnh đạo mới của Niger và yêu cầu khôi phục quyền lực cho ông Bazoum.
Một ngày sau khi một nhóm quân nhân Niger tiến hành đảo chính, Liên minh châu Phi (AU) đã ra tối hậu thư, yêu cầu lực lượng này “trở lại doanh trại và khôi phục quyền hiến pháp” trong vòng 15 ngày.
Trong khi đó ngày 29-7, Liên minh châu Âu (EU) và Pháp đã đình chỉ hỗ trợ tài chính và hợp tác về an ninh với Niger. Thông báo về các biện pháp trừng phạt, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell cho biết: “EU không công nhận và sẽ không công nhận chính quyền từ cuộc nổi dậy ở Niger”, đồng thời nói thêm rằng Mohamed Bazoum “vẫn là tổng thống hợp pháp duy nhất của Niger” và kêu gọi thả ông ngay lập tức.
Thông báo này là một đòn nặng nề đối với Niger, quốc gia từng nhận viện trợ lớn của phương Tây, bao gồm từ EU và Mỹ, với tư cách là một đồng minh trong cuộc chiến chống lại các cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến đang gây bất ổn cho khu vực Sahel rộng lớn.
Chính phủ Niger được cộng đồng quốc tế coi là bức tường thành chống lại các chiến binh Hồi giáo trong một khu vực khô cằn rộng lớn bị bao vây bởi những thách thức an ninh. Quân đội Pháp và Liên hợp quốc trong những năm gần đây buộc phải rút khỏi nước láng giềng Mali, nhưng Pháp vẫn có 1.500 binh sĩ ở Niger.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.