Chủ tịch Ủy ban ECOWAS cho biết, các nhà lãnh đạo của tổ chức này đã quyết định thành lập lực lượng khu vực để can thiệp trong trường hợp xảy ra đảo chính và chống các phần tử thánh chiến.
Ngày 4-12, các nhà lãnh đạo của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã thống nhất thành lập lực lượng khu vực để can thiệp trong trường hợp xảy ra đảo chính và chống các phần tử thánh chiến.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Nigeria, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS, ông Omar Alieu Touray, cho biết, các nhà lãnh đạo của tổ chức này đã quyết định hành động để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Cụ thể, ECOWAS quyết định thành lập lực lượng khu vực để can thiệp trong trường hợp cần thiết, khi xảy ra các vấn đề có liên quan đến an ninh, khủng bố và kể cả để khôi phục trật tự hiến pháp ở các nước thành viên.
Mali, Guinea và Burkina Faso đều đã xảy ra các cuộc đảo chính quân sự trong hai năm qua.
Một số quốc gia trong khu vực cũng đang hứng chịu sự hoành hành của các phần tử thánh chiến, bao gồm Mali, Burkina Faso, Niger.
Các quân đội quốc gia, phần lớn bất lực trước các lực lượng thánh chiến hoạt động xuyên biên giới, đã phải hợp tác với các chủ thể bên ngoài như Liên hợp quốc, Pháp và Nga.
Nhưng theo ông Touray, quyết định mới này sẽ giúp tái cấu trúc cơ cấu an ninh của Tây Phi.
Ông cũng cho biết, các phương thức hoạt động của lực lượng khu vực đã được lên kế hoạch sẽ được các chỉ huy quốc phòng xem xét vào nửa cuối năm 2023, bao gồm cả việc đóng góp của các quốc gia thành viên cho lực lượng này.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Tây Phi cũng đã yêu cầu chính quyền Mali trả tự do cho 46 binh sĩ Bờ Biển Ngà mà họ đã bắt giữ kể từ tháng 7, chậm nhất vào ngày 1-1-2023, nếu không muốn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Ngoài ra, trước những lo ngại về sự bất ổn lan rộng, các nhà lãnh đạo Tây Phi đã thúc giục việc quay trở lại chế độ dân sự nhanh nhất có thể ở 3 quốc gia đã trải qua các cuộc đảo chính trong những năm gần đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.