Thế giới

Tài nguyên khoáng sản của châu Phi: “Cơ hội vàng” cho Lục địa đen

Thùy Dương 26/07/2023 - 06:19

Các đối tác thương mại của châu Phi đang có nhu cầu ngày càng tăng với những tài nguyên quan trọng mà Lục địa đen rất dồi dào, phong phú, bởi chúng là một phần trong quá trình chuyển đổi xanh.

Nhận thấy tầm quan trọng đó, thời gian gần đây, chính phủ các nước châu Phi đã hạn chế hoặc cấm xuất khẩu khoáng sản để bảo đảm lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra cho các nước châu Phi trong việc làm thế nào để tận dụng cho được "cơ hội vàng".

zimbabwe.jpg
Một mỏ khai thác lithium tại Zimbabwe.

Châu Phi là nơi chiếm một tỷ lệ rất lớn tài nguyên thiên nhiên của thế giới, bao gồm cả năng lượng tái tạo và không thể tái tạo. Theo Liên hợp quốc, Lục địa đen có khoảng 30% trữ lượng khoáng sản, 12% dầu mỏ và 8% trữ lượng khí đốt tự nhiên của trái đất. Trữ lượng khoáng sản lớn nhất bao gồm cobalt, kim cương, bạch kim, lithium và uranium. Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố vào đầu tháng 7-2023, từ năm 2017 đến năm 2022, ngành năng lượng là động lực chính thúc đẩy nhu cầu về lithium tăng gấp ba lần, nhu cầu về cobalt tăng 70% và niken tăng 40%. Nhưng dù giàu có như vậy, lục địa này vẫn chưa gặt hái được những lợi ích tiềm năng do thiếu các chính sách thúc đẩy giá trị gia tăng. Châu Phi đang mất hơn 60 tỷ USD mỗi năm do các dòng tiền bất hợp pháp và thao túng giá trong việc khai thác khoáng sản, với phần lớn số tiền thu được đã chảy ra nước ngoài.

Nhận ra rằng việc tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô là con đường không bền vững, chính phủ các nước châu Phi đã đưa ra chiến lược quản lý để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Tháng 6 năm nay, Namibia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lithium chưa qua chế biến và các khoáng sản quan trọng khác. Namibia có trữ lượng lithium đáng kể, rất cần thiết cho việc lưu trữ năng lượng tái tạo, cũng như dysprosi và terbi cần thiết trong pin ô tô điện và tua bin điện gió. Trong khi đó, tháng 12 năm ngoái, Zimbabwe đã thông qua Đạo luật kiểm soát xuất khẩu khoáng sản cơ bản, cấm xuất lithium thô để nước này có thể kiếm thêm tiền từ giá trị gia tăng và không phải mất hàng tỷ USD cho các công ty nước ngoài. Tương tự, năm ngoái, Nigeria đã từ chối yêu cầu khai thác lithium của Tesla Inc, trừ khi công ty đặt một nhà máy sản xuất pin ở quốc gia Tây Phi này.

Bằng cách yêu cầu khoáng sản và tài nguyên được xử lý trong đất nước của mình, các quốc gia châu Phi có thể chiếm được thị phần lớn hơn trong chuỗi giá trị, dẫn đến tăng doanh thu, chuyển giao công nghệ và phát triển kỹ năng. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu tài nguyên của các quốc gia châu Phi đã làm dấy lên lo ngại ở Liên minh châu Âu (EU) khi châu lục này đang tìm kiếm các đối tác thương mại khoáng sản thay thế cho Trung Quốc và Nga, trong cuộc đua đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết, việc Namibia cấm xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng có thể vi phạm các công cụ thương mại song phương và luật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Namibia đã ký một biên bản ghi nhớ với EU để phát triển nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm cũng như hydro tái tạo trước khi thông qua luật cấm xuất khẩu khoáng sản thô. Vì vậy, EU sẽ theo sát các diễn biến và có “đối thoại mang tính xây dựng” để hoàn thiện quan hệ đối tác EU - Namibia về nguyên liệu thô bền vững.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích tại Viện Quản lý tài nguyên thiên nhiên (NRGI), một viện chính sách phi lợi nhuận, cảnh báo rằng chỉ riêng lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản quan trọng sẽ không đủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho Lục địa đen. Nếu không có cơ sở hạ tầng chế biến khoáng sản và các khuôn khổ pháp lý để bảo đảm nguồn thu từ thuế được sử dụng hiệu quả, các quốc gia châu Phi có thể đánh mất đối tác thương mại và hạn chế đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ. Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn chính sách kinh tế và xã hội IMANI châu Phi Franklin Cudjoe cho biết, việc thực thi lệnh cấm xuất khẩu hàng loạt mà không có năng lực quản lý và kinh phí để xử lý các khoáng sản quan trọng là phản tác dụng.

Do vậy, để các lệnh cấm xuất khẩu thực sự mang lại lợi ích cho các quốc gia châu Phi, các chính phủ sẽ phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng các ngành năng lượng, viễn thông và phát triển các ngành công nghiệp chế biến tài nguyên tại địa phương. Với quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra và nhu cầu ngày càng tăng đối với kim loại và khoáng sản, đây là cơ hội vàng cho Lục địa đen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên khoáng sản của châu Phi: “Cơ hội vàng” cho Lục địa đen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.