Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm tin vượt khó

Hồng Sơn| 19/04/2017 06:16

(HNM) - Tăng trưởng GDP thấp, lạm phát chịu áp lực từ tăng giá hàng hóa thế giới là một trong những nỗi lo của kinh tế quý I-2017 cũng như những tháng tiếp theo.


Thu hút vốn đầu tư nước ngoài khả quan là điểm sáng trong quý I. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty HOYA (Khu công nghiệp Thăng Long).Ảnh: Hải Ninh


Nhiều chỉ số thấp hơn kế hoạch

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I tăng 5,1%, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2017. Dù các chuyên gia cho rằng đây là mức chấp nhận được, nhất là xét về khách quan khi hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia đều trầm lắng, nhưng diễn biến này đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng bị chững lại, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Nói cách khác, đây có thể sẽ là lý do khiến cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế trong nước bị thu hẹp.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I-2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,06%; khu vực dịch vụ chiếm 43,99%... Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I năm nay chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với cùng thời gian của các năm vừa qua; khai khoáng dầu, khí, than đều tăng trưởng âm so với quý I-2016. Đây là một diễn biến đáng lo ngại, cho thấy mức đóng góp của hoạt động công nghiệp vào nền kinh tế không như mong muốn.

Nguyên nhân của thực tế trên là do sự sụt giảm về sản lượng và giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; khó khăn trong xuất khẩu hàng điện tử - bán dẫn và linh kiện cùng với sự suy giảm khoảng 10% về sản lượng của ngành công nghiệp khai khoáng. Với khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như bán buôn và bán lẻ tăng 7,3% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,03%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,76%; kinh doanh bất động sản tăng 3,72%.

Ngoài xu hướng tăng trưởng thấp, kinh tế quý I còn đối mặt với khả năng lạm phát tăng trở lại. Chỉ số giá bình quân (CPI) trong 3 tháng đầu năm tăng 4,96% so với mức bình quân 3 tháng đầu năm ngoái. Nếu so với mức CPI bình quân 3 tháng đầu năm từ năm 2012 trở về trước, thì mức tăng này thấp hơn nhiều.

Điểm sáng đáng kể trong phát triển kinh tế quý I là tình hình thu hút vốn đầu tư, với hơn 26.000 doanh nghiệp dân doanh thành lập mới, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và gần 46% về vốn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,7 tỷ USD, tăng 77% so với cùng kỳ.

Như vậy, nhìn về tổng thể nền kinh tế đang đứng trước sức ép phải tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới, để bù lại mức tăng khiêm tốn trong quý I.

Thúc đẩy đúng hướng

Một số chuyên gia cho rằng, cần có sự kết hợp, tác động tích cực của các yếu tố quan trọng, gồm tăng trưởng tín dụng, sự ổn định về tỷ giá, tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cùng với sự khắc phục đà sụt giảm của ngành khai khoáng để bức tranh kinh tế từ quý II đến hết năm sáng hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, lúc này cần tăng cường chất lượng hoạt động đầu tư công kết hợp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này, từ đó sớm đưa một số dự án đi vào hoạt động. Chính phủ nên tập trung cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh với tinh thần nhất quán và quyết liệt hơn, thể hiện rõ chủ trương phục vụ doanh nghiệp. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đưa ra một số giải pháp: Trước hết, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn liền với nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh đầu tư công để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết hợp đa dạng hóa hình thức huy động vốn cho mục tiêu này.

Về vấn đề này, mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp để rà soát, đánh giá tình hình, tìm giải pháp bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế năm 2017. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ xác định yêu cầu phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và yêu cầu sự đồng thuận, nỗ lực từ từng ngành, lĩnh vực. Mỗi địa phương, đơn vị phải rà soát lại, nghiên cứu xây dựng kịch bản trên cơ sở thực tế và năng lực của mình để điều chỉnh; trong đó khuyến khích sản phẩm, dịch vụ có thế mạnh.

Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Công Thương rà soát lại kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực và sản phẩm theo từng tháng, quý, dự báo cả năm. Công tác thăm dò, tìm thị trường phải được quan tâm đúng mức, kết hợp chặt chẽ giữa thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng với các sản phẩm, hàng hóa, trên cơ sở có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, chủ yếu là hạ tầng giao thông và năng lượng theo định hướng xã hội hóa, khuyến khích hình thức hợp tác công - tư. Nếu được thúc đẩy đúng hướng, áp lực lạm phát được cải thiện mạnh mẽ và xu hướng tăng trưởng tốt dần lên và bền vững hơn là có cơ sở... Khi niềm tin vượt khó được vun đắp, củng cố, chắc chắn sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ trong phát triển.

Kết quả điều tra mới nhất cho thấy, hơn 57% doanh nghiệp được hỏi cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn trong quý II. Tốc độ tăng trưởng GDP sẽ diễn ra theo hướng cải thiện liên tục, quý sau cao hơn quý trước. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,3% trong năm 2017.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.