(HNM) - Thủ đô văn hóa Saint Petersburg của Nga đang trở nên sôi động khác thường. Hơn 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo nhiều quốc gia, đại diện nhiều tập đoàn kinh tế quốc tế và trong nước đã tề tựu tại thành phố lớn thứ hai xứ Bạch dương để tham gia Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg kéo dài trong ba ngày, từ 16 đến 18-6.
Kể từ hội nghị đầu tiên diễn ra vào năm 1997, cuộc tập hợp vào tháng 6 hằng năm đã ngày càng khẳng định tầm quan trọng của nước Nga trong đời sống kinh tế thế giới. Là một bộ phận của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, cuộc gặp tại thành phố bên sông Neva được biết đến như một diễn đàn toàn cầu để thảo luận nhiều vấn đề không chỉ về nền kinh tế Nga mà còn mở rộng trên phạm vi toàn thế giới.
Diễn ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang trong cơn khủng hoảng, chủ đề "Các nhà lãnh đạo của thời đại mới" của Diễn đàn Saint Petersburg 2011 đã mở ra một hướng tiếp cận mới nhằm tìm kiếm động lực cho sự phát triển của kinh tế thế giới. Khẳng định vai trò của những người chèo lái đất nước trong hành trình còn nhiều thử thách ở phía trước, các cuộc thảo luận tại Saint Petersburg lần này tập trung vào việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế thế giới và tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi. Các quốc gia mới nổi và đang phát triển, trong đó có Nga đã thay thế các cường quốc công nghiệp, đóng vai trò đòn bẩy nâng đỡ kinh tế thế giới thời hậu khủng hoảng.
Vấn đề quan trọng được chờ đợi nhất tại các cuộc nhóm họp trong khuôn khổ Diễn đàn Saint Petersburg là "sân chơi" này tạo cơ hội để giới kinh doanh Nga và quốc tế lắng nghe quan điểm về con đường phát triển, tiến trình hiện đại hóa trên nhiều lĩnh vực từ lãnh đạo xứ Bạch dương. Ngược lại, từ diễn đàn tầm cỡ quốc tế này, Kremlin cũng mong muốn nhận được phản hồi của các doanh nhân với những chính sách điều hành kinh tế đất nước. Đặc điểm khiến Diễn đàn Saint Petersburg khác biệt so với nhiều sự kiện tương tự là quy chế cởi mở trong đối thoại tại diễn đàn. Thay vì những câu hỏi được đăng ký trước, các doanh nghiệp sẽ trao đổi trực tiếp với các bộ trưởng trong Chính phủ Nga thông qua những cuộc thảo luận bàn tròn và nhiều hoạt động thiết thực khác về những khúc mắc lẫn đề xuất ý kiến nhằm thúc đẩy sự vững mạnh của nền kinh tế Nga.
Cho dù sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ gồm cả dầu mỏ và khí đốt, một đất nước rộng lớn còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức, Nga vẫn chưa hoàn toàn xóa bỏ được định kiến từ giới doanh nhân nước ngoài rằng đây là mảnh đất dễ làm ăn nhưng cũng không ít rủi ro. Do đó, với diễn đàn được tạo lập từ 14 năm qua, Mátxcơva tiếp tục khẳng định cam kết theo đuổi chính sách thị trường tự do và duy trì một môi trường đầu tư thân thiện. Đây cũng là một phần trong nỗ lực nhằm sở hữu chiếc thẻ thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Nga chưa thể chạm tới suốt 18 năm qua. Với giá trị các hợp đồng được ký kết tăng thêm sau từng cuộc gặp - dự kiến khoảng 7 tỷ USD - Diễn đàn Saint Petersburg 2011 là một thành công của nước Nga trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm gia nhập "top" 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020.
Nước Nga còn không ít thách thức ở phía trước để đến đích nhưng qua cuộc tập hợp được xem như Davos của Nga này, thế giới một lần nữa có dịp nhìn nhận và đánh giá tiềm lực kinh tế Nga. Bên cạnh đó, sự kiện Saint Petersburg cũng giúp Mátxcơva khẳng định sự can dự sâu hơn của Nga vào nền kinh tế thế giới như một thành viên và đối tác tích cực; đồng thời thắp lên niềm tin về một cường quốc Nga mới trong tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.