(HNM) - Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2017 và những phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018 thăng hoa cả về điểm số lẫn thanh khoản sau 10 năm trồi sụt.
Điều gì làm nên những dấu ấn nói trên và khả năng duy trì “đỉnh” của thị trường trong năm 2018 ra sao là hai vấn đề được dư luận quan tâm?
Trước hết, trong năm 2017, Chính phủ đã có hàng loạt giải pháp gỡ bỏ những “nút thắt” của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, nhằm huy động các nguồn vốn phục vụ mục tiêu phát triển. Cụ thể, những ì ạch trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dần được gỡ bỏ. Thương vụ thoái vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn vào cuối năm 2017 thu về gần 5 tỷ USD cho thấy quyết tâm của Nhà nước trong vấn đề này là rõ rệt, từ đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tiếp đến, chính sách điều hành tài chính chủ động, linh hoạt đã dẫn tới kết quả tốt là tình hình nợ công, tỷ giá, lạm phát… trong tầm kiểm soát, tiếp sức cho thị trường chứng khoán có một năm thăng hoa.
Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, xã hội và được nhiều tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế xếp hạng khả quan.
Tiếp đà tăng trưởng mạnh, 2018 sẽ là năm bản lề trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hạng từ thị trường cận biên (hạn chế là khó thu hút các tập đoàn, quỹ tài chính quốc tế lớn tham gia đầu tư) lên nhóm thị trường chứng khoán mới nổi. Muốn vậy, một vấn đề Chính phủ sẽ tiếp tục phải theo đuổi là nỗ lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước phát triển; cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để tạo ra hiệu ứng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Hiện nay, xét về quy mô thì phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều vẫn ở quy mô nhỏ. Tuy có rất nhiều nhà đầu tư (cá nhân, quỹ kinh doanh tài chính) lớn muốn rót vốn vào Việt Nam, nhưng vốn hóa các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Họ muốn đầu tư 500 triệu USD, thậm chí 1 tỷ USD là rất khó khăn. Các nhà đầu tư vẫn đang mong chờ tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở những nhóm ngành có khả năng phát triển tốt như ngân hàng, viễn thông… diễn ra nhanh hơn nhằm đưa thị trường trở nên đa dạng hơn, các doanh nghiệp kinh doanh một cách công bằng hơn.
Ngoài ra, để thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn cần phải xử lý quyết liệt hơn nữa tình trạng thao túng, làm giá trên thị trường. Điểm cộng là từ ngày 1-1-2018, tội thao túng giá chứng khoán thu lợi hơn 500 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự, thị trường sẽ bớt đi các cổ phiếu tăng giảm không lý do. Một khi tính minh bạch của thị trường được nâng cao và khẳng định, những điểm yếu sẽ dần bị loại trừ, thay vào đó là sự cải thiện của thanh khoản, chất lượng hàng hóa, tính chuyên nghiệp của thị trường, niềm tin của nhà đầu tư.
Tất nhiên, chỉ số VN-Index sẽ không thẳng tiến, sẽ có những đợt điều chỉnh phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng, kể cả việc xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm của năm. Sự nông, sâu của các đợt điều chỉnh là điều nhà đầu tư cần phải tính đến thận trọng và kỹ càng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.