Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm hạnh phúc của người thầy thuốc

Thu Trang| 22/02/2023 06:27

(HNM) - “Nếu ngày ấy không chọn nghề y, thì có lẽ tôi đã không có được một cuộc đời trọn vẹn và ý nghĩa. Khi nhìn thấy những bệnh nhân cao tuổi được xuất viện với dáng đi nhanh nhẹn hơn, không còn đau yếu, đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là động lực để người thầy thuốc cố gắng mỗi ngày”, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Phúc, Trưởng khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) bắt đầu câu chuyện về nghề chữa bệnh, cứu người như vậy.

Bác sĩ Đoàn Văn Phúc thăm hỏi bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang). Ảnh: Xuân Lộc

Giúp người già vượt qua bệnh tật

Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình trong một gia đình có bố và chị gái đều là bác sĩ, nhưng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bác sĩ Đoàn Văn Phúc lại không xác định theo nghề y, mà rất thích làm kinh doanh. Đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chính bố là người đã hướng anh thi đỗ vào ngành Y. “Khi bước vào học ngành Y, tôi mới nhận ra nghề y rất hợp với mình. Và càng dấn thân, tôi lại càng yêu, gắn bó với nghề hơn”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Thời gian đầu, chuyên ngành bác sĩ Phúc lựa chọn là chấn thương chỉnh hình. Sau đó, anh quay sang học chuyên ngành về thần kinh. Bác sĩ Phúc tâm sự: “Chứng kiến nhiều người thân quanh mình khi tuổi già bị tai biến thường để lại di chứng, như: Liệt, không vận động được... Thậm chí, căn bệnh sa sút trí tuệ, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, dẫn đến những hậu quả nặng nề… Chính những điều đó đã thôi thúc tôi theo học chuyên ngành về thần kinh để giúp mọi người vượt qua nỗi đau bệnh tật khi tuổi già”.

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Phúc về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Anh cũng chính là người đặt viên gạch đầu tiên thành lập Khoa Nội thần kinh vào năm 2016. Ban đầu, khoa chỉ có 4 bác sĩ và được giao chỉ tiêu 15 giường bệnh. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, khoa đã phát triển với 10 bác sĩ, gần 60 giường bệnh và triển khai được hầu hết các kỹ thuật ngang tầm bệnh viện tuyến trung ương. Hiện tại, trung bình mỗi ngày khoa điều trị nội trú khoảng 60-70 bệnh nhân.

Để có được sự tin tưởng của người bệnh như ngày hôm nay, không chỉ nỗ lực nâng tầm về chuyên môn, trên cương vị Trưởng khoa, bác sĩ Phúc luôn truyền đạt và “rèn giũa” nhân viên của mình từ lời ăn, tiếng nói, thái độ ứng xử khi tiếp xúc với bệnh nhân. Bởi, theo anh, nếu không đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, đau với nỗi đau của họ, người bác sĩ khó đi được trọn vẹn với nghề.

“Khoa Nội thần kinh chủ yếu tiếp nhận người cao tuổi, liên quan đến tai biến, đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, trầm cảm, co giật, sa sút trí tuệ, động kinh… Với những bệnh nhân cao tuổi, sự quan tâm, gần gũi của người thầy thuốc vô cùng quan trọng, giúp mang lại hiệu quả điều trị. Chính vì vậy, khẩu hiệu mà chúng tôi luôn theo đuổi, đó là chất lượng dịch vụ phải như bệnh viện tư, nhưng giá cả và chất lượng điều trị phải là bệnh viện công…”, bác sĩ Phúc nói.

Bác sĩ của người cao tuổi

Ngoài công việc khám, chữa bệnh tại bệnh viện, bác sĩ Đoàn Văn Phúc còn phối hợp với Trung tâm Y tế quận Long Biên tổ chức các buổi tư vấn, truyền thông miễn phí cho người cao tuổi.

Bác sĩ Phúc chia sẻ: “Nhiều cụ khớp gối đau có dịch, nhưng vẫn tập luyện, đi bộ hằng ngày, khiến bệnh nặng thêm. Hay bệnh đột quỵ thường gia tăng vào mùa đông cũng do nhiều người ra ngoài trời lạnh đột ngột, dẫn đến co mạch và tăng huyết áp… Chính vì vậy, thông qua những buổi truyền thông, tôi hướng dẫn người cao tuổi cách phòng bệnh, tập thể dục và thời điểm tắm, gội… để tốt cho sức khỏe và tránh được đột quỵ”.

Không chỉ vậy, bác sĩ Phúc còn tự bỏ tiền để thiết kế máy tập vận động thụ động cho người bệnh. Bác sĩ Phúc kể: “Một chiếc máy tập vận động thụ động bán trên thị trường với giá 750 triệu đồng, nên bệnh viện không có kinh phí để mua máy đó cho khoa. Tôi đã lên ý tưởng thiết kế và thuê người chế tạo một chiếc máy với chức năng tương tự”.

Nhờ chiếc máy tập vận động “Made in bác sĩ Phúc”, không ít bệnh nhân đã thoát khỏi cảnh tàn phế. Điển hình như trường hợp nữ bệnh nhân bị viêm phổi phải nằm thở máy suốt 17 ngày. Đến giai đoạn hồi phục, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng bị teo cơ, cứng khớp vì suốt thời gian dài chỉ nằm. Khi đến với Khoa Nội thần kinh, được sử dụng máy tập vận động hằng ngày, hiện tại bệnh nhân đã đi lại được.

Cảm phục trước tấm lòng nhân hậu, bệnh nhân nơi đây thường gọi bác sĩ Phúc với cái tên trìu mến “bác sĩ của người cao tuổi”. Điều trị rối loạn tiền đình đã được hơn một tuần, bà Nguyễn Thị Thịnh (75 tuổi ở tỉnh Thái Nguyên) phấn khởi cho biết: “Hiện bệnh của tôi đang tiến triển tốt. Bác sĩ Phúc và các bác sĩ ở đây rất thân thiện, ân cần, chu đáo, điều đó giúp tôi như khỏi một nửa phần bệnh”.

“Tôi luôn động viên bệnh nhân vào viện điều trị là không phải cảm ơn chúng tôi bằng phong bì, mà chỉ cần khi ra viện, các cụ hết yếu, hết mệt, đi lại nhanh nhẹn hơn là món quà cảm ơn bác sĩ rồi”, vị Trưởng khoa tâm sự và luôn tự nhận mình may mắn khi nắm trong tay niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được trong đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm hạnh phúc của người thầy thuốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.