(HNM) - Đến thời điểm này, 100% dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của thành phố Hà Nội ban hành đã được hoàn tất...
Cơ chế trọng dụng nhân tài là một trong những nội dung được đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, bộ, ngành và thành phố quan tâm. Ảnh: Viết Thành |
19 thành viên - một quan điểm
Tiến độ, kết quả trên cũng là sự thực hiện cam kết lớn nhất của lãnh đạo thành phố Hà Nội với Quốc hội ngay tại thời điểm Luật Thủ đô được các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua với đa số phiếu tán thành. Ngay từ thời điểm đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã xác định, Luật Thủ đô không phải dành riêng cho Hà Nội, càng không phải dành cho Hà Nội đặc quyền, đặc lợi. Luật Thủ đô bổ sung các quy định pháp luật áp dụng cho một đơn vị hành chính đặc thù - đô thị đặc biệt, nhằm tạo ra cơ chế phù hợp với yêu cầu về xây dựng và phát triển Thủ đô, phục vụ sự nghiệp chung của cả nước. Do đó, quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô, Hà Nội không chỉ huy động sự tham gia của các ngành, các đơn vị trực thuộc thành phố mà còn chủ động xin ý kiến các bộ, ngành, các nhà khoa học và người dân cả nước về từng nội dung liên quan. Không những thế, sau khi thu thập, tổng hợp, lĩnh hội các đóng góp, thành phố còn chủ động đề xuất Bộ Tư pháp thành lập tổ công tác liên ngành để một lần nữa được nghe góp ý cả về nội dung và thể thức văn bản của 14 dự thảo văn bản thuộc thẩm quyền thành phố Hà Nội ban hành, vừa được chỉnh sửa lại (gồm 12 Nghị quyết của HĐND, 2 Quyết định của UBND thành phố về các nội dung: Điều kiện, thủ tục tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô; chính sách trọng dụng nhân tài; chương trình giảng dạy nâng cao; biện pháp cải tạo khu chung cư cũ, phục hồi nhà cổ, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; cơ chế khuyến khích đầu tư, xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe cơ giới…).
Sự cầu thị ấy đã được lãnh đạo ngành tư pháp cùng các đơn vị liên quan đánh giá cao. Theo thống kê, mặc dù tổ công tác liên ngành do Bộ Tư pháp thành lập có tới 19 thành viên, là chuyên gia cao cấp, đến từ nhiều bộ, ngành khác nhau nhưng tất cả đều thống nhất: Xây dựng các dự thảo văn bản riêng biệt cho Thủ đô trước hết cần xác định rõ tính chất đặc thù của Thủ đô so với các đô thị khác trực thuộc Trung ương và của vùng Thủ đô so với các vùng liên tỉnh khác, từ đó đưa ra các quy định riêng về tổ chức quy hoạch giao thông, xây dựng, giáo dục, khoa học, công nghệ. Nội dung các dự thảo cần bảo đảm không trái với quy định của Hiến pháp. Song để phù hợp với thẩm quyền, phạm vi điều chỉnh đã được Luật Thủ đô quy định có thể khác các văn bản do Chính phủ, các bộ, ngành ban hành trước đó.
Ba nội dung đặc biệt
Đáng lưu ý, trong số 14 dự thảo nghị quyết, quyết định, cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài nhận được sự quan tâm, góp ý của đông đảo nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Có thể nói, đây là dự thảo lĩnh hội nhiều nhất các ý kiến đóng góp, bao hàm cả về đối tượng áp dụng và chính sách đãi ngộ với các đánh giá tác động cụ thể. Dự thảo mới nhất quy định, các đối tượng đủ điều kiện, cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố ít nhất 7 năm sẽ được phụ cấp đãi ngộ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu, được ưu tiên thuê, mua nhà. Đặc biệt, riêng bác sỹ, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, sau hai năm công tác, được cử đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài với tiền trợ cấp hằng tháng bằng 1,5 mức lương, khi bảo vệ luận án tốt nghiệp tiến sĩ, được hỗ trợ bằng 80 lần mức lương.
Những tiếp thu, đề xuất quan trọng tiếp theo của Hà Nội thuộc về lĩnh vực đầu tư. Theo đó, để giải quyết từng bước bài toán về thiếu điểm đỗ xe, hạn chế ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, Hà Nội chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng, khai thác các bãi đỗ xe ô tô và sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện đại. Nhà đầu tư được hỗ trợ 50% tiền lãi vay đầu tư; 100% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu; 100% tiền thuế nhập khẩu các thiết bị, dây chuyền công nghệ đầu tư trong 3 năm đầu. Đồng thời, thành phố sẽ hỗ trợ 100% phí sử dụng đường bộ cho những phương tiện vận chuyển hành khách công cộng khối lượng lớn; chi phí chênh lệch giữa xe buýt sử dụng nguyên liệu sạch, khí nén thiên nhiên với xe chạy dầu; miễn tiền vé cho người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ 50% tiền vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi; hỗ trợ 30% tiền vé tháng cho cán bộ, nhân viên mua vé theo hình thức tập thể.
Về giáo dục, dự kiến đến năm 2015, Hà Nội sẽ tạo những điều kiện cần thiết để phát triển 30-35 trường chất lượng cao với cơ sở vật chất đạt chuẩn, trang thiết bị phục vụ học tập hiện đại. Khung mức trần học phí tối đa năm học 2014-2015 được HĐND thành phố ấn định là 3.200.000 đồng/học sinh/tháng với khối mầm non, tiểu học; 3.400.000 đồng/học sinh/tháng với khối THCS, THPT. Đây là mô hình đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục nên không nhất thiết quận, huyện nào cũng phải có mà tùy thuộc vào điều kiện địa phương cũng như nhu cầu xã hội.
Theo đánh giá chung, những đổi mới trên xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhiều người dân nhưng nhiều năm qua, do thiếu cơ sở pháp lý nên Hà Nội không thể ban hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.