Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những trận đồ bát quái!

Phương Anh - Tú Anh - Linh Chi| 01/07/2015 06:36

(HNM) - Mặc dù không có bất cứ một hình thức bảo đảm nào, nhưng hàng loạt các công ty môi giới việc làm vẫn ngang nhiên thu các khoản phí từ 500.000 đến 700.000 đồng của người có nhu cầu dưới nhiều hình thức và lý do khác nhau.


Gõ từ khóa "lừa đảo tuyển dụng", Google cho 725.000 kết quả với nhiều nội dung "vạch mặt", "phơi bày", "cảnh báo". Vào một số trang web như www.trainghiemso.com, kenhsinhvien.net, fanpage "Vạch mặt các công ty lừa đảo", nhiều tình huống bi hài về câu chuyện lừa đảo tuyển dụng được các nạn nhân chia sẻ. Theo đó, có nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn, phổ biến nhất là công việc nhặt bóng tennis, nhân viên bán xăng dầu, đóng gói bánh kẹo... Tuy nhiên, nhiều người vẫn rơi vào những "bẫy" việc làm này dù đã được cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi, thủ đoạn của các công ty lừa đảo tuyển dụng ngày càng tinh vi, đánh trúng tâm lý "việc nhàn - lương cao" của người lao động. Đối tượng của các công ty trên rất đa dạng, từ sinh viên năm thứ nhất đến những người lao động trung niên hoặc những người từ nơi khác đến Hà Nội.

“Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Minh” đã được đổi thành “Công ty Đầu tư thương mại và Phát triển đa phương tiện Bình Minh Việt Nam” trên giấy hẹn.



Tìm hiểu được biết, nhiều trung tâm tư vấn việc làm uy tín có sự bảo đảm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng do số lượng không nhiều nên các đơn vị này bị "chiêu trò" quảng cáo của các trung tâm lừa đảo tuyển dụng lấn át. Đặc biệt, họ thường quảng cáo vống lên, kích thích mong muốn tìm việc nhanh của người lao động, khiến họ bị rơi vào "bẫy" mà không hay. Chiêu trò thường thấy nhất là tại các mảng tường, cột điện, bến xe quanh các trường đại học ai ai cũng dễ dàng nhận thấy nhiều tờ rơi tuyển dụng xuất hiện một cách dày đặc. Hầu hết những tờ rơi này đều chỉ in số lượng cần tuyển, mô tả sơ qua về công việc và số điện thoại liên hệ. Những thông tin khác như địa chỉ công ty, thời hạn tuyển dụng đều không hề có.

Để tìm hiểu rõ hơn, nhóm phóng viên đã chủ động gọi điện đến hơn 30 số điện thoại in trên các tờ rơi quanh khu vực Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Trần Đại Nghĩa… Tuy nhiên, quá nửa các số máy này đều không bắt máy hoặc không liên lạc được. Sau rất nhiều lần "thử vận may", cuối cùng chúng tôi cũng kết nối thành công với số máy 0167825… qua một tờ rơi ghi sơ sài về công việc tại hệ thống các siêu thị ở Hà Nội với mức lương hết sức hấp dẫn. Ở phía đầu dây bên kia, một giọng nam tự xưng là Hùng tỏ ra hết sức niềm nở khi biết chúng tôi có nhu cầu tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Sau một hồi rào trước đón sau, người tự xưng là Hùng cho chúng tôi địa chỉ công ty tại 517 Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) và hẹn sáng hôm sau mang sơ yếu lí lịch đến nộp. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi đang ở gần địa điểm trên, đầu dây vội vàng nói: "Em qua luôn bây giờ cũng được, chỉ cần mang theo bản photo chứng minh thư, không cần chứng thực".

Khi chúng tôi đến địa chỉ trên, công ty không treo biển hiệu nào bên ngoài. Có 3 chiếc xe máy dựng phía sau lớp cửa sắt mở rộng. Bên trong là lớp cửa kính màu đen đóng im ỉm, từ bên ngoài không thể nhìn vào trong. Khi thấy chúng tôi xuất hiện, một thanh niên chạc 20 tuổi nhanh chóng chạy ra dắt xe hộ và hỏi chúng tôi về lịch hẹn. Gọi lại cho Hùng để xác nhận địa điểm và thời gian hẹn gặp, chúng tôi được mời vào trong để chờ nghe tư vấn. Khi đẩy cửa vào, chúng tôi gặp 2 cô gái trẻ vừa bước ra. Vào bên trong, biển hiệu đề tên "Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Minh" được đặt ngay chính diện. Trong phòng có hai bàn làm việc, người đón tiếp đều là nam giới, mỗi bàn đang có một người ngồi nghe tư vấn. Thời điểm đó, có 4 người cùng xếp hàng chờ đến lượt như chúng tôi. Dù đến sau những người đang cùng đợi, nhưng ngay sau khi người phụ nữ ở một bàn tư vấn đứng dậy ra về, người đàn ông khoảng 40 tuổi gọi chúng tôi "Người tiếp theo, mời em".

Trong khi đó, ở phía ngoài, một người trong số chúng tôi trong vai người đưa bạn đến, giả vờ dựng xe chờ bạn nhằm mục đích tiếp cận với người lao động đến Công ty Bình Minh xin tư vấn. Tuy nhiên, khi thấy người lạ mặt có dấu hiệu dò xét cơ sở của mình, nam thanh niên trông xe không vào nhà nữa mà đứng luôn ở ngoài "tiếp chuyện". Anh ta chủ động hỏi han quê quán, tuổi tác của phóng viên và nhiệt tình giới thiệu "Bạn vào trong rồi em vào đợi cũng được mà, nghe tư vấn biết đâu lại tìm được việc". Tuy vậy, anh ta một mực khẳng định mình không phải nhân viên công ty mà chỉ chạy xe ôm.

5 phút sau, khi có một nữ khá trẻ đi ra, người thanh niên nhanh chóng đứng chắn giữa phóng viên và người phụ nữ, không cho hai bên có cơ hội trò chuyện. Trong khoảng thời gian chờ đợi, bất cứ ai đi ra thì thanh niên này đều có hành động tương tự.

Những khoản tiền cọc mập mờ

Cùng lúc đó, ở bên trong, khi được hỏi có những công việc nào phù hợp cho chúng tôi, người tư vấn đưa ra công việc bán hàng tại các hệ thống siêu thị như BigC Thăng Long, The Garden, Topcare, HC với mức lương vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, để "có cơ hội" tuyển dụng, người xin việc buộc phải chấp nhận bỏ ra một khoản phí là 500.000 đồng.

"Em là sinh viên, bọn anh chỉ muốn giúp đỡ thôi. Các em hoàn toàn không phải nộp phí gì cho công ty. Khoản tiền các em đóng chỉ là để may phục trang như quần áo, giày dép… ở nơi làm việc" - người tư vấn giải thích. Vì không đem theo bất kì một giấy tờ gì, nên chúng tôi nhận được giấy hẹn vào sáng hôm sau. Khi ra về, người tư vấn còn nói "Nếu được thì anh em mời nhau cốc nước. Vui vẻ thôi". Rồi họ hứa hẹn "Chắc chắn có việc làm luôn" và sẽ có người dẫn đến tận nơi làm việc để gặp quản lý. Tuy nhiên, ngày hôm sau và hôm sau nữa, công ty này luôn trong tình trạng đóng cửa khóa ngoài và không thể liên lạc được.

Đăng Dũng (22 tuổi, Viện Đại học Mở) cho biết: "Cách đây hơn 1 tháng, tôi đến công ty môi giới việc làm TNHH Nam Long, địa chỉ 411 Phạm Văn Đồng với nhu cầu xin tuyển vị trí bán xăng dầu. Khi đến, công ty đưa tôi 2 tờ giấy yêu cầu khai lý lịch, bắt đóng 700.000 đồng tiền "giữ chân" và hứa sẽ đưa ra công ty làm thủ tục". Đăng Dũng cũng cho biết thêm, sau đó, phía công ty có viết cho anh một tờ biên lai. Thay vì đưa tờ giấy xác nhận đã thu tiền cho Đăng Dũng thì phía công ty giữ lại. Khi đã đóng đủ tiền, Công ty TNHH Nam Long đưa Dũng đến một công ty khác và yêu cầu đóng thêm 300.000 đồng nữa rồi hẹn Dũng ngày tới phỏng vấn. "Khi tôi lên mạng tìm hiểu thì thấy rất nhiều bạn cảnh báo công ty trên có dấu hiệu nhận tiền đặt cọc nhưng không lo được công việc như đã hứa hẹn. Tôi đành ngậm ngùi mất trắng khoản tiền đó" - Dũng nói.

Tiếp tục gọi tới các số điện thoại trên tờ rơi, ghi phần liên hệ với "A. Khánh" nhưng khi chúng tôi liên lạc thì một người phụ nữ nghe máy. Khi ngỏ ý muốn tìm việc làm thêm, họ cũng cung cấp địa chỉ 517 Phạm Văn Đồng và đem theo giấy tờ như người đàn ông tự xưng là Hùng hướng dẫn. Tuy nhiên, lần này, người phụ nữ nói khoản tiền cho trang phục, giày dép… là 700.000 đồng, chứ không phải 500.000 đồng như người tư vấn trước yêu cầu. Cùng một địa chỉ, cùng một công việc được tư vấn nhưng thông tin về khoản chi phí quần áo, giày dép, thẻ nhân viên lại hoàn toàn khác nhau. Vậy số tiền mà đơn vị này thu từ những người đến xin việc làm đi về đâu? Dựa vào đâu mà công ty đưa ra mức thu như vậy?
(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những trận đồ bát quái!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.