(HNM) - Mới chỉ hoạt động gần 2 năm, song Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” do Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc sáng lập đã có nhiều đóng góp thiết thực nhằm giúp đỡ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa.
Chiến sĩ Hải quân trên đảo Trường Sa luôn là hình ảnh lay động với bà con kiều bào. |
- Trước tiên, anh có thể chia sẻ về những món quà mà Quỹ vừa chuyển giao ra Trường Sa?
- Trong chuyến đi Trường Sa năm 2016, chúng tôi đã trao 3 máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt cho đảo chìm Cô Lin, Len Đao và Nhà giàn DK1/17, 3 máy phát điện quang năng có hiệu suất cao và các giàn trồng rau thử nghiệm trên các mô hình khác nhau. Sau chuyến đi này, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với những điểm đảo và nhà giàn nói trên để tìm hiểu quá trình sử dụng các trang thiết bị cũng như giàn rau, giống rau có đáp ứng được nhu cầu sử dụng của chiến sĩ ngoài đảo Trường Sa hay không.
Từ đó chúng tôi rút kinh nghiệm và tập trung lập những dự án mới cho năm 2017. Những món quà chúng tôi gửi ra Trường Sa lần này là thiết bị máy lọc nước cầm tay, pin năng lượng mặt trời và máy phát điện. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thể dục, thể thao của các chiến sĩ, nhân dân tại đảo Trường Sa lớn, chúng tôi đã tài trợ 1 sân cầu lông đa năng vừa có thể đánh cầu lông vừa có thể chơi bóng chuyền.
- Ngoài những món quà tặng Trường Sa, Quỹ còn có hoạt động gì khác, thưa anh?
- Ngay từ khi thành lập, Quỹ đã xác định hai hướng hoạt động. Thứ nhất là tập trung vào các dự án hỗ trợ cải thiện cuộc sống cho cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa và thứ hai là những dự án bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua đấu tranh pháp lý. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành hòa bình tại Hàn Quốc để phản đối những hành động trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông cùng những cuộc triển lãm tranh ảnh, tư liệu lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Ngoài ra, Quỹ đang tập hợp một nhóm các nhà khoa học trẻ trên khắp thế giới, tập trung nghiên cứu những công trình khoa học mang tính quốc tế có thể đưa ra những bằng chứng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã đặt mục tiêu hoạt động của Quỹ không chỉ là những món quà tặng mà còn là biểu tượng của trí tuệ, của những công trình mang tính khoa học để hướng về biển đảo quê hương.
- Sau gần 2 năm thành lập, Quỹ đã có những đóng góp đáng kể cho quê hương. Ban chấp hành Quỹ đã có kế hoạch gì để duy trì nguồn tài chính và hoạt động lâu dài, thưa anh?
- Rất may là ngay từ khi thành lập Quỹ, chúng tôi đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều cá nhân và tổ chức cộng đồng, không chỉ tại Hàn Quốc mà ở nhiều nơi trên thế giới. Toàn bộ công trình sân cầu lông trên đảo Trường Sa năm nay là nhờ sự đóng góp và tài trợ của chị Lưu Thị Phi Nga và cộng đồng người Việt ở Leipzig (Đức). Tôi cho rằng Quỹ "Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam" hướng tới một mục đích thiêng liêng nên đã chạm được đến trái tim của nhiều người. Do đó, dù chưa tiếp xúc với chúng tôi lần nào nhưng rất nhiều bà con người Việt đã gửi gắm niềm tin cho chúng tôi thực hiện các dự án này.
- Xin cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.