Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành những tình cảm và sự quan tâm lớn đến nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.
Trong ba nhiệm kỳ trên cương vị Tổng Bí thư (khóa XI, XII, XIII), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị có nhiều quyết sách nhằm tạo động lực cho lĩnh vực "tam nông" phát triển.
Những tình cảm đặc biệt...
Cả ba kỳ đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI, VII, VIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều dành thời gian đến dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.
Năm 2011, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đây là Đại hội mở đường cho đất nước tiến vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với bề bộn công việc phải triển khai sau đại hội, nhưng chỉ sau 8 tháng nhậm chức, sáng 13-9-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư đánh giá cao kết quả của Hội Nông dân Việt Nam đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kịp thời tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 61-KL/TƯ ngày 3-12-2009 về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10-5-2011 “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.
Đồng chí biểu dương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và phong trào nông dân tham gia bảo đảm an ninh, quốc phòng...
... và những quyết sách lịch sử cho "tam nông"
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực, đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TƯ ngày 20-12-2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đây là những kim chỉ nam có dấu ấn rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các cấp Hội Nông dân Việt Nam.
Một trong những dấu ấn rõ nét nhất về sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với "tam nông" chính là việc ký ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng ta xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế và đặt nông dân ở vị trí chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết số 19 cũng xác định việc đào tạo, hỗ trợ nông dân chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Sau Nghị quyết 19, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) diễn ra từ ngày 25 đến 27-12-2023, hàng chục triệu cán bộ, hội viên đã đón nhận “món quà đặc biệt” khi đồng chí Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TƯ, làm tiền đề và cơ sở để Hội Nông dân Việt Nam đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động vì sự nghiệp cách mạng nước nhà.
Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị khẳng định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, xây dựng tổ chức Hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và ban chấp hành hội nông dân các cấp.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện, động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định, Nghị quyết số 46 là nghị quyết lịch sử đối với Hội Nông dân Việt Nam. Theo đó, yêu cầu về đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp và vận động quần chúng nhân dân trong giai đoạn này cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ.
Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa, Nghị quyết 19, Nghị quyết 46 là những nghị quyết lịch sử, mang tính bước ngoặt đối với Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc để nông dân Việt Nam vươn lên làm giàu, có cuộc sống ấm no, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng văn minh, thịnh vượng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những quyết sách vô giá để sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người nông dân tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp cách mạng đầy vẻ vang của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho hàng chục triệu cán bộ, hội viên nông dân cả nước. Những quyết sách, tình cảm đặc biệt đồng chí dành cho nông dân Việt Nam luôn vẹn nguyên giá trị...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.