(HNM) - Cách đây ít lâu, ngay sau khi trên địa bàn Hà Nội xảy ra 2 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể của KCN Mê Linh và Chương Mỹ, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn bộ bếp ăn tập thể trên địa bàn
Tăng cường phối hợp nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm
Cách đây ít lâu, ngay sau khi trên địa bàn Hà Nội xảy ra 2 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể của KCN Mê Linh và Chương Mỹ, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn bộ bếp ăn tập thể trên địa bàn. Mặt khác, Sở Y tế và Ban Quản lý (BQL) các KCN và chế xuất Hà Nội đã ký ban hành quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm ATTP, vệ sinh lao động, phòng chống dịch bệnh, góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Quy chế nêu rõ trách nhiệm của các bên, trong đó, Chi cục ATVSTP Hà Nội là đơn vị trực tiếp phối hợp với BQL trong việc phổ biến kiến thức ATTP, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra và thẩm định cơ sở đủ điều kiện ATTP với các đơn vị có bếp ăn tập thể, căng tin trong KCN.
Đa số bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp đều tuân thủ quy định bảo đảm ATVSTP. |
Căn cứ vào quy chế phối hợp nói trên, Chi cục ATVSTP đã thành lập 3 đoàn công tác tiến hành tổng kiểm tra tại 111 bếp ăn tập thể các nhà máy trong KCN và chế xuất. Qua kiểm tra, ông Trần Ngọc Tụ đánh giá, các bếp ăn tập thể đã cung cấp trung bình hơn 72.000 suất ăn/ngày với giá từ 16.000 đến 25.000 đồng/suất. Đa số bếp ăn được thiết kế và xây dựng với quy mô hiện đại, tiện dụng. Điều đáng nói là các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt quy định bảo đảm ATTP và có trách nhiệm trong hoạt động bếp ăn tập thể. Một số cơ sở còn tổ chức kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, tiến hành xét nghiệm nhanh thực phẩm… Cụ thể là 100% bếp ăn có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 97,4% người tham gia chế biến thực phẩm có giấy khám sức khỏe; 97,2% số người sơ chế biến thực phẩm có giấy xác nhận kiến thức ATTP; 100% cơ sở đều có kết quả kiểm nghiệm nước định kỳ dùng cho chế biến thực phẩm; 96,4% cơ sở có giấy kiểm dịch đối với sản phẩm gia súc, gia cầm; 88,3% cơ sở có đủ diện tích phù hợp để bố trí các khu vực bếp ăn tập thể hoạt động bảo đảm các điều kiện vệ sinh; 93,7% bếp ăn có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại thực phẩm…
Dù vậy, trong thực tế, vẫn còn một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể. Theo ông Trần Ngọc Tụ, có đơn vị ít khi kiểm tra bếp ăn tập thể; bộ phận quản lý ATTP chưa quan tâm nhiều đến việc giao nhận thực phẩm, cân định lượng suất ăn, giám sát, hướng dẫn để người chế biến có thói quen thực hành vệ sinh. Thêm vào đó, ở một số nơi, người sơ chế, chế biến, nấu ăn chưa tuân thủ theo quy trình phòng ngừa nhiễm chéo thực phẩm do không được tập huấn định kỳ.
Hiện vẫn còn 9% số bếp ăn tại KCN chưa được thiết kế và tổ chức theo nguyên tắc một chiều; 7,2% chưa thực hiện lưu mẫu thức ăn hoặc lưu mẫu không đúng theo quy định, 18% kho bảo quản thực phẩm không bảo đảm… |
Cần sự cộng đồng trách nhiệm
Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho rằng, vấn đề ATVSTP tại bếp ăn tập thể trong các KCN là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp cùng nhiều cơ quan tiến hành thanh tra, giám sát ở nhiều KCN và đánh giá chung cho thấy, bếp ăn tập thể được tổ chức tại chỗ có tỷ lệ ngộ độc thực phẩm ít hơn so với suất ăn tập thể ở nơi khác vận chuyển đến nhà máy. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, so với các địa phương khác, các KCN ở Hà Nội chủ yếu tổ chức bếp ăn tập thể tại chỗ, do vậy, điều kiện ATVSTP tốt hơn. Mặt khác, mức chi cho mỗi suất ăn ở KCN tại Hà Nội cao hơn so với KCN tại Bình Dương hay TP Hồ Chí Minh nên chất lượng thực phẩm cũng bảo đảm an toàn hơn.
Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng, muốn bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn thì cần có sự tham gia của cộng đồng với việc nâng cao khẩu hiệu "cộng đồng chú ý đến bếp ăn tập thể". Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngành chức năng cần thực hiện nghiêm quy định, chế tài liên quan tới công tác quản lý bếp ăn tại các KCN. BQL các KCN cần chỉ đạo các nhà máy trong KCN và chế xuất chăm lo cho bữa ăn của công nhân, tăng cao định mức khẩu phần suất ăn, cần phải coi sức khỏe của người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tại mỗi doanh nghiệp cần thực hiện công tác tự giám sát các điều kiện ATTP tại bếp ăn và nơi cung ứng thực phẩm. Chính mỗi công nhân cần nhìn nhận vấn đề "sức khỏe là vốn quý" và phải biết nói không với những suất ăn giá rẻ nhưng mất an toàn.
Về vấn đề quản lý ATTP tại bếp ăn KCN trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh việc tới đây, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu và đưa ra khung khẩu phần ăn tối thiểu cho công nhân tại các KCN về giá và lượng calo. Hằng năm, Ban Chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá công tác ATTP tại bếp ăn tập thể các KCN, phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai tên đơn vị vi phạm về ATTP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.