(HNM) - Các cơ quan chức năng đã
Hiệu quả của cách chữa bệnh này thế nào, có cơ sở khoa học và pháp lý không… phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, lối chữa bệnh không giống ai - bằng cách giẫm lên người bệnh nhân của bà Phạm Thị Phú thật sự gây... bất ngờ.
Theo phản ánh của một số cơ quan truyền thông, bà Phú tự nhận có năng lượng siêu nhiên, có thể chữa được mọi loại bệnh, kể cả những thứ được xếp vào hạng nan y như ung thư, tâm thần... Và không ít người đã tự nguyện đến với bà Phú để được chữa bệnh. Chẳng biết cách chữa trị kỳ lạ này hiệu nghiệm đến đâu, nhưng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Thái Nguyên kiểm tra việc hành nghề của bà Phú, báo cáo kết quả trước 30-9. Cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cũng đã có văn bản yêu cầu bà Phạm Thị Phú tạm dừng… dịch vụ tẩm quất một tháng.
Chuyện những cơ sở chữa bệnh kỳ dị, dù không được cấp phép vẫn thu hút rất nhiều bệnh nhân không mới, nhất là ở những địa phương vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi dân trí còn hạn chế. Trị bệnh bằng cách cho uống nước hòa với tro "bùa", những "biệt dược" kỳ quái không được công nhận, rồi chữa bệnh trong vườn... đã từng bị phanh phui. Theo các cơ quan chức năng, chữa trị kiểu này không khỏi bệnh mà còn có thể khiến bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế, nên không ít người vẫn đặt lòng tin vào những chuyện hoang đường để rồi "tiền mất, tật mang". Khó trách người bệnh và thân nhân bởi lẽ "có bệnh thì vái tứ phương". Có ở trong cảnh bạo bệnh mới hiểu được bấn loạn của họ, thêm nữa, không phải ai cũng có nhận thức đúng đắn về bệnh tật, cách chữa trị khoa học, hiệu quả... Vấn đề đáng bàn ở đây là cách thức quản lý của cơ quan chức năng.
Bà Phú tự nhận có khả năng "siêu nhiên" nhưng chưa được các cơ quan hữu quan chứng nhận về năng lực chữa bệnh. Trong khi đó, nghề y, dược liên quan trực tiếp tới sinh mạng con người nên là ngành kinh doanh có điều kiện vô cùng khắt khe. Vậy mà, cơ sở chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú hoạt động dưới đăng ký kinh doanh dịch vụ tẩm quất. Điều đáng nói nữa là trước đây bà Phú đã từng bị đình chỉ vì chưa có giấy phép hành nghề. Chỉ như vậy đủ thấy cơ sở chữa bệnh nói trên đã vi phạm các quy định của pháp luật. Kỳ lạ là trong khi dòng người ùn ùn đổ về nằm la liệt để chữa bệnh thì dường như cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lại không biết để kiểm tra, xử lý..., cho đến khi vụ việc được đưa ra công luận. Đây cũng là "điểm chung" của nhiều cơ sở hành nghề y, dược trái phép đã bị phanh phui trước đây. Với vai trò của mình, đáng lý, chính quyền địa phương phải nắm chắc những diễn biến bất thường trên địa bàn quản lý, từ đó kiểm tra, đề nghị các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ sự bất thường đó.
Khó có thể biện minh cho việc chính quyền địa phương không biết dòng người ùn ùn đổ về địa bàn khám, chữa bệnh. Hệ thống y tế thôn, xã cũng không nắm bắt hoạt động y, dược tại địa phương càng là điều khó hiểu hơn. Dường như, giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ngành dọc đang có tư duy "việc anh anh làm, việc tôi tôi làm" dẫn tới suy nghĩ "đã có cơ quan khác quan tâm, kiểm soát". Có lẽ, đây chính là lỗ hổng để các cơ sở khám chữa bệnh nêu trên ung dung hoạt động dù chưa đủ điều kiện hành nghề. Ngay cả chuyện kiểm tra, xác minh về cơ sở chữa bệnh này thôi, những tưởng nhanh chóng, nhưng đã vài ngày kể từ khi sự việc được đưa ra công luận vẫn chưa có kết luận, tối thiểu là thực thi đúng quy định luật pháp hay không? Cách chữa bệnh đã lạ, công tác quản lý cũng lạ không kém!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.