Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những sự cố đáng xấu hổ

Tú Khôi| 12/08/2012 05:13

(HNM) - Có những sự cố không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà tác động tới tinh thần cũng rất lớn. Nó làm lung lay lòng tin vào trí tuệ và khả năng sáng tạo; vào sự trung thực của nhiều lời hứa và kêu gọi của chính chúng ta.


- Tại sao lại có thể như thế?
-
Công trình thủy lợi đầu mối Tắc Giang (Hà Nam) là một công trình trọng điểm quốc gia khởi công tháng 6-2007, đưa vào sử dụng tháng 4-2010, mới đây bị sụt lở nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo khắc phục. Đầu tư cho phát triển nông nghiệp rất lớn, mỗi năm một tăng. Hơn 3/4 vốn được dành xây dựng và phát triển hệ thống công trình thủy lợi. Tuy vậy, hiệu quả của hệ thống công trình này rất thấp hoặc chóng hỏng, năm nào cũng phải sửa chữa kiểu giật gấu vá vai do chất lượng thiết kế, thi công kém, hoặc vì thiếu đồng bộ - có hồ chứa thì chưa có mương dẫn hay ngược lại ; có cả hai thì thiếu đầu mối chuyển tiếp...

Đường hầm Thủ Thiêm vượt qua sông Sài Gòn vừa đưa vào sử dụng trần đã bị nứt nhiều chỗ, đã bị rò rỉ. Mặc dù một vài người có trách nhiệm khẳng định với báo chí rằng những hỏng hóc đó vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng dư luận khó tin bởi đã có quá nhiều kinh nghiệm, mà mới nhất là vụ rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2. Trước đó không lâu cả nước đã choáng váng vì đại lộ Đông-Tây bị lún lệch rồi những đoạn nứt lở trên đường dẫn lên cầu Cần Thơ, cầu Bãi Cháy...

Nếu nói những sự cố như công trình Tắc Giang hay đường hầm Thủ Thiêm xảy ra do chưa có tiền lệ nên thiếu kinh nghiệm thì hoàn toàn không đúng. Tiền lệ đã có quá nhiều và kinh nghiệm cũng đủ, vì mọi sự cố đều được các ủy ban liên ngành quốc gia tiến hành điều tra một cách nghiêm túc nhất. Vậy có thể do thiếu vốn? Không phải. Những công trình đó chủ yếu sử dụng vốn vay ODA từ nước ngoài và từ ngân sách nhà nước. Hay do trình độ kỹ thuật, công nghệ của ta quá kém? Cũng không! Với những công trình như vậy có tư vấn, thẩm định của chuyên gia nước ngoài. Đội ngũ công nhân, kỹ thuật, kỹ sư Việt Nam cũng được đào tạo, trải qua thực tế để thực hiện những công trình đó đúng chất lượng.

Vậy thì tại sao? Do đâu xảy ra những sự cố như vậy?

Chưa có câu trả lời toàn diện, triệt để. Những công trình được nghiên cứu và xây dựng để thay đổi cuộc sống của người nông dân; thay đổi diện mạo nền kinh tế và bộ mặt của đất nước đã được hội tụ những gì cần thiết nhất - quyết tâm chính trị; nhân tài và vật lực; hợp tác quốc tế và khát vọng vươn lên của toàn dân. Vậy mà thay vì đáp ứng kỳ vọng, tạo một bầu không khí hân hoan, kiêu hãnh, tự hào như khi khởi công, một số công trình lại dần mang tới sự chua xót, đau đớn cho xã hội bởi chất lượng không thể chấp nhận được. Không thể hiểu nổi!

Trong những công trình đó, vốn cho Tắc Giang ít nhất - có 175 tỷ đồng (90% vay), còn lại đều có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Để khắc phục mỗi sự cố cũng cần hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Thế nào là một tỷ đồng? Có một chương trình giúp nông dân thoát nghèo gọi là "vay bò". Một hộ được "vay" (miễn phí) một con bò cái và chăm sóc nó đến khi nó đẻ; khi bê đủ cứng cáp, họ được giữ lại con bê để thoát nghèo, còn bò mẹ sẽ chuyển cho hộ khác vay. Cứ như thế. Con bò cái thoát nghèo giá không quá 5 triệu đồng. Với 20% dân số, có được 5 triệu đồng làm vốn là điều không dễ. Vậy mà…

Đó không chỉ là những sự cố đáng xấu hổ về mặt trình độ, kỹ thuật…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sự cố đáng xấu hổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.