Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những rào cản cần gỡ bỏ

Lê Hương| 27/10/2011 06:42

(HNM) - Dù rất quan tâm, song không ít địa phương, đơn vị vẫn còn chật vật trong phát triển tổ chức Đảng (TCĐ), đảng viên ở các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước.


Ở khu vực này, vai trò lãnh đạo của TCĐ không rõ nét; mối quan hệ cấp ủy và chủ DN chưa có sự ràng buộc, chi phối… Khảo sát của Ban chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước TP trong tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua đã nhận diện rõ những khó khăn. Để tăng cường công tác Đảng trong khu vực này, đòi hỏi Đảng bộ TP Hà Nội phải chỉ đạo sát sao với những giải pháp đồng bộ.


Công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ.Ảnh: Bá hoạt

Rào cản từ nhiều phía

Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết cấp ủy chưa nắm bắt tình hình hoạt động của DN để từ đó có giải pháp triển khai công tác Đảng. Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có hơn một vạn DN ngoài nhà nước đăng ký hoạt động, song thực tế chỉ có 50% hoạt động ổn định và gần 1% có TCĐ. Phó Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong thừa nhận, việc quản lý 99% DN ngoài nhà nước hoạt động chưa có TCĐ chủ yếu dựa trên cơ sở thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, chứ quận không hề nắm được số đảng viên, người lao động (NLĐ) hay việc lỗ, lãi của DN. Đây là một trong những nguyên nhân từ năm 2007 đến nay, quận mới thành lập 4 chi bộ; hướng dẫn Đảng ủy phường thành lập 2 chi bộ tại DN ngoài nhà nước. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, Quận ủy phải giải thể 3 chi bộ cơ sở do không còn đủ số đảng viên. Dù nỗ lực nhưng quận chỉ thành lập được 56 TCĐ trong khu vực này với 1.128 đảng viên.

Rào cản thứ hai các cấp ủy gặp phải chính là sự thiếu hợp tác của chủ DN. Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Trần Tiến Hùng cho biết, trong 21 DN trực thuộc tổng công ty có 8 DN ngoài nhà nước (đa số liên doanh với nước ngoài). Các DN này rất năng động, doanh thu lớn, nhưng mới có 2 DN thành lập TCĐ. Do việc nắm giữ vị trí lãnh đạo căn cứ theo tỷ lệ góp vốn nên vai trò lãnh đạo của TCĐ đối với công tác điều hành của liên doanh gần như không có. TCĐ không lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, thay vào đó chỉ là việc thương lượng thông qua tiếng nói của người đại diện phần vốn nhà nước trong hội đồng quản trị và phó giám đốc là người Việt Nam được bên Việt Nam cử tham gia quản lý. Ông Trần Tiến Hùng cho hay, ở DN kiểu này dù phía nước ngoài có thừa nhận TCĐ trong DN nhưng trên thực tế cấp ủy không có mối quan hệ, ràng buộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong các liên doanh với nước ngoài.

Ngoài ra, rào cản nữa xuất phát từ phía NLĐ. Do mối quan tâm lớn nhất là thu nhập nên NLĐ kém mặn mà với việc phấn đấu trở thành đảng viên và việc thành lập TCĐ. Thậm chí có người còn giấu việc mình là đảng viên để được chủ DN tuyển dụng. Không ít DN đủ đảng viên nhưng chưa thành lập TCĐ vì chủ DN chưa ủng hộ… Đây cũng là tình trạng chung ở các đảng bộ: Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh, Thạch Thất, TCT Đầu tư và phát triển nhà, TCT Vận tải, TCT Thương mại Hà Nội… Điều này lý giải tại sao Hà Nội có hơn 110.000 DN khu vực ngoài nhà nước nhưng đến nay mới có gần 700 TCĐ, chưa đầy 20.000 đảng viên ở khu vực này.

Tăng tính chủ động

Trong bối cảnh khó khăn chung của công tác Đảng ở DN ngoài nhà nước, một số cấp ủy đã tìm được cách đi riêng, khẳng định vai trò lãnh đạo, giúp DN phát triển hài hòa, bảo đảm lợi ích, quyền lợi chính trị của DN và NLĐ. Đảng ủy khối Du lịch Hà Nội có 28/33 TCĐ ở DN khu vực ngoài nhà nước. Trước khó khăn của kinh tế thế giới và đất nước, các DN vẫn đứng vững, bảo đảm thu nhập 4,5-9 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có đơn vị trả lương cho NLĐ 30-100 triệu đồng/tháng. Ngoài sự năng động, yếu tố mang lại thành công cho DN chính là nhờ TCĐ đã phát huy vai trò lãnh đạo, tập hợp, đoàn kết NLĐ. Đảng bộ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bình Minh là một minh chứng. Từ chi bộ có 3 đảng viên sau 3 năm phát triển thành đảng bộ, với 75 đảng viên. Điều mà TCĐ ở đây đã làm được là phối hợp chặt chẽ với chủ DN xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo động lực cho NLĐ phát huy năng lực, sở trường, có hoài bão, động cơ phấn đấu vào Đảng. Ngoài ra, tại Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội và Ngân hàng cổ phần Thương mại Gia Định, cấp ủy trực tiếp trao đổi với chủ DN tâm tư nguyện vọng của NLĐ, các vấn đề bất hợp lý trong quản lý, có giải pháp khắc phục, góp phần giúp DN khẳng định chỗ đứng trên thị trường; đồng thời giới thiệu được cán bộ có kinh nghiệm tham gia bộ máy của DN. Thực tế, nếu cấp ủy biết chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, thiết lập được mối quan hệ, được chủ DN ủng hộ chắc chắn sẽ phát huy vai trò lãnh đạo.

Tuy nhiên, số TCĐ phát huy vai trò lãnh đạo trong DN ngoài nhà nước chưa nhiều. Cấp ủy các cấp vẫn chưa có biện pháp thiết thực để xây dựng, lựa chọn mô hình TCĐ phù hợp với loại hình DN này. Các đảng bộ đề nghị TƯ, Thành ủy sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc thành lập các TCĐ ở DN liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài khi đã có đủ đảng viên. Thủ tục, quy trình hướng dẫn kết nạp Đảng với quần chúng ưu tú ở DN chưa có TCĐ, đặc biệt là việc kết nạp chủ DN vào Đảng cũng còn nhiều vướng mắc. Từ thực tiễn hoạt động cho thấy, việc thành lập và phát triển của TCĐ trong DN khu vực ngoài nhà nước phụ thuộc vào sự tồn tại và phát triển của DN. Do vậy cần có những quy định linh hoạt trong việc thành lập và giải thể TCĐ; có cơ chế đưa cán bộ chuyên trách của Đảng ủy cấp trên kiêm nhiệm công tác chuyên trách Đảng tại DN ngoài nhà nước…

Những khó khăn đang đặt ra là cơ sở để Thành ủy Hà Nội đề ra các giải pháp khắc phục, trên tinh thần tăng tính chủ động giúp cấp ủy các cấp xóa bỏ các rào cản để TCĐ thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo, giúp DN phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những rào cản cần gỡ bỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.