Những quy định mới liên quan đến chương trình bồi dưỡng cán bộ, hồ sơ khám sức khỏe, bán hàng đa cấp, khoán bảo vệ rừng… có hiệu lực từ tháng 6.
Hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cấp cả bản điện tử
Theo Quyết định 13/QĐ của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hoạt động năm 2023, từ ngày 1-6, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của bộ phận một cửa cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo).
100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.
Định kỳ hằng tháng công khai danh sách, tổ chức, cá nhân chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương.
Điều kiện được cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức
Có hiệu lực từ ngày từ 15-6, Thông tư 03/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định 101/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 101.
Thông tư nêu rõ điều kiện để được cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp cho học viên có đủ các điều kiện sau: Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng; có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng và các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình; chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính quốc gia.
Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp một lần cho học viên hoàn thành khóa học, trong ngày bế giảng khóa học.
Những đổi mới về hồ sơ khám sức khỏe
Thông tư 09/2023 của Bộ Y tế quy định về nội dung khám sức khỏe, trong đó có hồ sơ khám sức khỏe của người khám sức khỏe định kỳ (có hiệu lực từ 20-6) đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14/2013.
Cụ thể, thay đổi mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ hiện nay bằng mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ mới tại phụ lục 3a ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-BYT.
Các trường hợp khám sức khỏe định kỳ được khám theo nội dung ghi trong sổ khám sức khỏe, gồm khám nội khoa (tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận - tiết niệu, nội tiết, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần); mắt; tai mũi họng; răng hàm mặt; da liễu; phụ sản…
Phụ lục 3b của Thông tư 09 cũng quy định lao động nữ sẽ được khám chuyên khoa phụ sản như khám phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung, sàng lọc ung thư vú, siêu âm tử cung - phần phụ (khi có chỉ định của bác sĩ khám).
Không được sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để bán hàng đa cấp
Nghị định số 18/2023 của Chính phủ bổ sung khoản 13, 14 Điều 40 Nghị định 40/2018 về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, có hiệu lực từ ngày 20-6.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm
Từ ngày 1-6, Thông tư số 21/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành. Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân sẽ là 300.000 đồng/ha/năm. Đối với khoán bảo vệ rừng ven biển, mức hỗ trợ tối đa bằng 1,5 lần mức hỗ trợ bình quân.
Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/5 năm. Việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng chỉ thực hiện một lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, Thông tư 21 quy định về hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng như sau: Công ty lâm nghiệp 300.000 đồng/ha/năm; ban quản lý rừng, UBND cấp xã là 100.000 đồng/ha/năm; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên 300.000 đồng/ha/năm.
Thời gian tính hao mòn với máy photocopy, camera giám sát là 5 năm
Thông tư số 23/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành từ 10-6.
Trong đó quy định thời gian tính hao mòn với máy photocopy là 5 năm, thay vì là 8 năm như hiện hành; tỷ lệ hao mòn với máy photocopy là 20%/năm thay vì 12,5%/năm như hiện nay.
Với camera giám sát, Bộ Tài chính quy định thời gian tính hao mòn cũng là 5 năm (quy định cũ 8 năm); tỷ lệ hao mòn là 20%/năm, thay vì quy định cũ là 12,5%/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.