Chợ thường là nơi trao đổi, mua bán các mặt hàng nhưng ở Việt Nam có những phiên chợ, mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp giáp Tết hay đúng vào ngày Tết, nhằm phục vụ những người du Xuân, cầu duyên, cầu tài, cầu lộc, cầu buôn may bán đắt hay gặp gỡ thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau.
Chợ Cưới
Đây là chợ phiên đặc biệt của người dân tộc ở xã Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc họp vào ngày 25 tháng Chạp.
Trai gái trong bản làng kéo tới đây rất đông, có cả bố mẹ hoặc ông bà đi theo để chứng kiến lời giao ước của họ. Họ có thể đã yêu nhau, hoặc đến chợ mới làm quen và tìm hiểu nhau.
Chợ Cưới là một kiểu chợ tình ở miền núi. Nhiều lứa đôi đã nên vợ nên chồng ngay trong phiên chợ đặc biệt này.
Chợ Đồng
Nhà thơ Nguyễn Khuyến từng viết:
"Tháng Chạp, 24, chợ Đồng
Năm nay, chợ họp có vui không?"
Chợ Đồng thuộc làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - quê hương nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ. Để kỷ niệm công đức của tiền nhân, dân làng đã tổ chức họp phiên chợ Đồng vào ngày 24 tháng Chạp hằng năm. Chợ được tạm họp trên cánh đồng khô ráo ở đầu làng.
Hầu như tất cả mọi người trong làng đều đến chợ. Họ đi chợ để bán, để mua, để chúc mừng nhau khi năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Đặc biệt, nhiều người đến chợ để tham gia hội thi thơ nhân dịp Tết. Ai có bài thơ hay, trúng giải thì được cùng các bô lão trong làng "nếm rượu tường Đền" - một loại rượu đặc sản rất ngon.
Chợ Gà (Chợ Sáu)
Chợ Gà của làng Xuân Ổ (còn gọi là làng Sáu- chợ Sáu, nay thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) mở vào đêm mồng 4 Tết.
Khi trời còn nhập nhoạng tối, dân làng đã đến chợ. Tương truyền, theo quan niệm của người xưa, chợ họp tối để người trần và người âm có thể cùng nhau đi dự.
Chợ chỉ mua bán những con gà đen tuyền, vì giống gà này có thể nhập được vào cõi âm để tâu bẩm với Thành hoàng làng, mong Ngài phù hộ cho dân làng được nhân khang, vật thịnh. Nhà nào có gà đen mang bán ở chợ sẽ được hưởng phúc lớn.
Chợ Gà vừa tan thì ngay trên khu vực chợ xuất hiện nhiều quán trầu cau để cho các "liền anh;" "liền chị" mời nhau xơi trầu và hát quan họ. Nếu quán chật chỗ, các “liền anh,” “liền chị” lại trải thêm chiếu trên chợ, hoặc ngồi trên cánh đồng chung quanh mà hát suốt đêm.
Chợ Lượn
Trong dịp Tết Nguyên Đán, ở một số chợ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn.
Nam thanh, nữ tú đến chợ mua bán là phụ, mà hát lượn là chính. Hát lượn là điệu hát trữ tình để nam nữ bày tỏ tình cảm với nhau. Họ hát say sưa, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tan chợ.
Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng từ chợ Lượn một phiên này.
Chợ Mục Đồng
Tại xã Yên Thư, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có chợ dành riêng cho "mục đồng" vào ngày 28 tháng Chạp hằng năm.
Sáng ngày 28, trẻ "mục đồng" mặc quần áo mới rủ nhau đi họp chợ. Cũng như người lớn, các em bày bán đủ loại mặt hàng như gà vịt, mũ nón, bánh trái...
Chợ Mục Đồng họp trên một khoảng đất trống, cũng người mua, người bán, khung cảnh ồn ào, tấp nập như một phiên chợ thật sự.
Chợ Bến
Chợ Bến ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, chỉ họp ba ngày đầu năm. Chợ họp dọc theo bờ sông Nhật Lệ, không có địa điểm nhất định.
Trên bộ xe cộ tấp nập, dưới sông thuyền ghe chen nhau san sát.
Từ hôm trước Tết, nhân dân địa phương dựng lều trại, mở bài chòi. Người về họp chợ mang theo các loại đặc sản ở quê hương mình như các đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt heo rừng, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em...
Kẻ mua người bán dù không quen biết nhau vẫn chào hỏi, chúc tụng lẫn nhau và không nói thách giá, cò kè bớt một thêm hai như những phiên chợ thường. Họ đi chợ chỉ mong cầu sự may mắn, cầu phúc lộc thọ cho năm mới.
Thanh thiếu niên thì reo hò quanh các trò vui như chọi gà, leo cột mỡ, đi cầu nối trên sông hay túm tụm quanh các điểm bài chòi.
Chợ Cồn và Chợ thịt heo
Chợ Cồn ở xã Vĩnh Mỹ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế họp vào ngày mồng Một, mồng Hai Tết, tại một cồn cát cách khu chợ thường ngày khoảng 1.500m, nên còn gọi là chợ Cồn.
"Chợ thịt heo" họp tại xã Mỹ Lợi, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào các ngày 29 và 30 tháng Chạp.
Chợ không họp ở chợ thường ngày mà họp trên những chòi cao mới cất ở gần khu chợ thường ngày.
Từ xưa người dân ở xã Vĩnh Mỹ và xã Mỹ Lợi cho rằng: trong những ngày Tết, "người âm" cũng về họp chợ nên người trần họp chợ ở nơi khác và nhường chợ cũ cho người âm. Sau những ngày họp chợ Tết xong, chợ lại về họp ở nơi cũ.
Chợ Gia Lạc
Xưa kia, chợ họp ở phủ, sau này mới dời đến ngã ba đường Dương Nỗ, cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km.
Chợ họp mỗi năm một phiên, đông vui nhất là sáng mồng một Tết. Phiên chợ này đặc biệt bởi có người đánh bài chòi ngồi ngất ngưởng trên những chiếc chòi cao.
Chợ Gia Lạc hình thành cách đây khoảng 200 năm và bày bán nhiều đặc sản của các địa phương như bún bò, bánh bèo, bánh phu thê (su sê), kẹo mứt, chuối ngự Nam Giao, quýt ngọt Hương Cần, trầu cau Nam Phổ...
Người khởi xướng nên chợ Gia Lạc, là Định Viễn công Nguyễn Phước Bình, hoàng tử thứ tư, con vua Gia Long.
Chợ Gò Trường Úc
Chợ họp một năm có một phiên
Người bán người mua ở khắp miền
Mồng một kêu nhau đi họp chợ
Tưng bừng khăn áo bước chân chen
Chợ Gò Trường Úc có tục họp vào ngày mồng một Tết Nguyên đán trên một gò đất cao ở chân núi Trường Úc, cạnh thị trấn Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 8km.
Chợ Gò Trường Úc là điểm vui Xuân lý tưởng mang đậm tính chất lễ hội cổ truyền.
Người đi chợ không chỉ để đi mua sắm mà còn đi du Xuân hái lộc, cầu may.
Chùa Long Sơn cổ kính nằm kề bên núi Trường Úc từ lâu đã là nơi mọi người đến xin thẻ cầu nhân duyên, phúc lộc mỗi khi Tết đến, Xuân về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.