Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người thầy đặc biệt

Hiền Phương| 25/03/2023 06:43

(HNM) - Được giao nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ, các huấn luyện viên của Trường Trung cấp 24 Biên phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) luôn say mê, tâm huyết với nghề. Đến nay, những người thầy đặc biệt này đã huấn luyện được gần 3.000 chó nghiệp vụ, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, trấn áp tội phạm, tham gia tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ điều tra hình sự…

Huấn luyện viên huấn luyện chó nghiệp vụ tại Trường Trung cấp 24 Biên phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng).

Tập luyện công phu, vất vả

Trên thao trường huấn luyện của Trường Trung cấp 24 Biên phòng, sau hồi còi báo hiệu, các huấn luyện viên điều khiển từng tốp chó nghiệp vụ chia thành nhóm thực hiện thống nhất động tác trong đội hình khối. Nhóm ở cuối sân đi theo khối hình tròn; nhóm ở giữa thực hiện động tác cơ bản kỷ luật thông qua khẩu lệnh, tín hiệu; nhóm trên cùng thực hiện động tác kỷ luật nâng cao.

Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ nhiệm bộ môn Tìm kiếm cứu nạn, Khoa Giám biệt nguồn hơi (Trường Trung cấp 24 Biên phòng) cho biết: “Công tác huấn luyện chó nghiệp vụ bắt đầu từ những động tác cơ bản kỷ luật theo từng giai đoạn, từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp nhằm tạo tính kỷ luật. Đây là quá trình tập luyện công phu, vất vả, kiên trì, đòi hỏi mỗi huấn luyện viên phải bình tĩnh, tự tin, sáng tạo, say mê, tâm huyết với nghề nghiệp, yêu quý chó nghiệp vụ”.

Bên cạnh việc huấn luyện tính kỷ luật, huấn luyện viên còn phải rèn cho chó nghiệp vụ sức mạnh, sức bền, sự cơ động, vượt địa hình phức tạp, nhiều chướng ngại vật để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. “Đối với bài tập này, huấn luyện viên phải vận động cùng chó nghiệp vụ, đồng thời sử dụng các khẩu lệnh, tín hiệu điều khiển chó lần lượt vượt qua các vật cản. Vượt qua hệ thống các vật cản không những giúp chó nghiệp vụ thực hiện các động tác độc lập, mà còn giúp chúng có thể lực tốt, nâng cao sức chiến đấu”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, huấn luyện viên Khoa Giám biệt nguồn hơi chia sẻ.

Chuyên ngành huấn luyện chó giám biệt nguồn hơi rất quan trọng, là cơ sở, điều kiện để huấn luyện các nội dung chuyên ngành. Đây là công cụ, phương tiện, giúp lực lượng làm công tác điều tra hình sự có thêm căn cứ xác định hướng điều tra vụ án, nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

Theo quy trình huấn luyện của Trường Trung cấp 24 Biên phòng, căn cứ nhu cầu đào tạo, huấn luyện, qua sàng lọc, chó sẽ được đưa vào huấn luyện theo chuyên ngành phù hợp. Tuy nhiên, trước khi được chia theo chuyên ngành, các chú chó đều phải trải qua giai đoạn huấn luyện cơ bản bắt buộc nhằm rèn thể lực và tính kỷ luật. Thông thường, một chú chó bắt đầu bước vào huấn luyện khi được 10 tháng tuổi. Để hoàn thành một khóa huấn luyện cơ bản và chuyên ngành cho một chú chó nghiệp vụ phải mất từ 9 tháng đến 1 năm, chưa kể, chó thực hiện nhiệm vụ cho các chuyên án phải có chương trình huấn luyện riêng, chó tham gia huấn luyện chuyên sâu cũng mất thời gian lâu hơn.

Công việc của huấn luyện viên không chỉ ở bãi tập mà còn cả quá trình chăm sóc, bảo đảm nơi ở của chó... để chó bện hơi “thầy”, tuân thủ duy nhất sự điều khiển của “thầy”. Đại úy Nguyễn Viết Linh, Đội mẫu, Khoa Giám biệt nguồn hơi cùng chú chó của mình vừa hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ trở về chia sẻ: “Vừa huấn luyện, vừa bảo đảm chăm sóc chó nghiệp vụ nên mỗi khi nghỉ phép, chú chó nhớ “thầy” không ăn uống. Khi được gặp lại “thầy” thì chó mừng rỡ, quấn quýt hẳn lên”.

Với đặc thù công việc như vậy nên ở Trường Trung cấp 24 Biên phòng, hầu hết các huấn luyện viên đều chăm sóc chó rất thành thạo, chu đáo. Nếu chó ốm, huấn luyện viên đều gác hết mọi công việc, ở lại đơn vị để chăm sóc chó, bởi vắng “thầy” thì “trò” không ăn, không hợp tác. Tuy nhiên, trong quá trình huấn luyện, khả năng mất an toàn cũng có thể xảy ra và điều này được các huấn luyện viên xác định rõ tâm lý, không vì thế mà sợ hãi hay né tránh thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, mỗi lần chó nghiệp vụ huấn luyện đạt kết quả tốt, huấn luyện viên đều tìm hiểu sở thích để có hình thức khen thưởng “trò” cho phù hợp.

Vũ khí tinh nhuệ

Trường Trung cấp 24 Biên phòng hiện đang huấn luyện chó nghiệp vụ theo 5 chuyên ngành: Chó nghiệp vụ chiến đấu; phát hiện ma túy; thuốc nổ; hỗ trợ công tác điều tra hình sự; tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh việc đào tạo, sử dụng chó nghiệp vụ trong lực lượng Bộ đội biên phòng và một số đơn vị trong quân đội, nhà trường còn liên kết đào tạo huấn luyện viên, huấn luyện chó nghiệp vụ cho lực lượng Hải quan và quân đội, Cảnh sát Hoàng gia Campuchia.

Tính hiệu quả của việc huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ qua những lần thực hiện nhiệm vụ đã được ghi nhận bằng các phần thưởng xứng đáng mà các cấp, các ngành trao tặng. Đó là tham gia tìm kiếm cứu nạn sau vụ du khách nước ngoài mất tích tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai) năm 2016; tìm kiếm cứu nạn sau vụ sạt lở, mưa lũ tại  thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020.

Đặc biệt, từ ngày 13 đến 21-2-2023, sáu chú chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng cùng Đoàn cán bộ cứu hộ, cứu nạn Việt Nam đã tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn đã thực hiện tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện và tìm được 15 điểm có người bị vùi lấp trong đống đổ nát, trong đó có 2 điểm có dấu hiệu của sự sống; phối hợp với một số lực lượng cứu hộ quốc tế tổ chức tìm kiếm được 3 vị trí có thi thể và lực lượng giải cứu đã đưa được 10 thi thể ra khỏi đống đổ nát.

Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: Đào tạo huấn luyện viên và huấn luyện chó nghiệp vụ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ các mục tiêu kinh tế quan trọng, tìm kiếm cứu nạn... là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Trường Trung cấp 24 Biên phòng. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã đào tạo được 102 khóa, lớp, với gần 3.000 chó nghiệp vụ.

Rèn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt… đòi hỏi việc đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ rất công phu, tốn nhiều công sức. Nhà trường luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, phấn đấu đào tạo được nhiều chó nghiệp vụ để tham gia tìm kiếm cứu nạn ở trong nước và quốc tế.

“Chúng tôi không quản ngại khó khăn, vất vả mà sẽ nỗ lực vượt khó để bảo đảm các tiêu chí trong công tác huấn luyện như: Huấn luyện viên, tuyển chọn chó, xây dựng hệ thống thao trường đồng bộ...”, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi khẳng định. Ngoài ra, nhà trường sẽ thực hiện tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực: Sinh sản, tạo nguồn gen, chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện chó nghiệp vụ và đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên...

Chó nghiệp vụ là vũ khí đặc biệt, phương tiện chiến đấu hiệu quả, luôn sát cánh cùng lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng. Bởi vậy, dẫu có khó khăn, vất vả trong quá trình huấn luyện nhưng những người thầy đặc biệt nơi đây vẫn không nản lòng. Và rồi, bất cứ nơi nào nhân dân cần cứu giúp, những người lính “quân hàm xanh”, cùng với các “chiến binh” chó nghiệp vụ đều sẵn sàng lên đường trong mọi tình huống...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người thầy đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.