Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người luôn chịu thiệt thòi

Nguyễn Linh| 29/01/2011 07:47

(HNM) - Trong không khí nhộn nhịp sắm sanh chuẩn bị đón Tết Tân Mão đang cận kề, những người phụ nữ đi làm ăn xa nhà càng thêm ưu tư, lo lắng. Lương thấp, tiền thưởng Tết ít ỏi, điều kiện làm việc khắt khe, cường độ lao động căng thẳng, tỷ lệ nghịch với gánh nặng trách nhiệm nơi quê xa khiến họ càng thêm buồn...

Lao động nữ làm việc tại KCN Phú Thị. Ảnh: Thu Giang


Thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần
Lê Thị Hà (21 tuổi, ở Thạch Thành, Thanh Hóa) là con đầu trong gia đình. Học hết lớp 12, không thi đỗ ĐH, Hà quyết định ra Hà Nội làm việc ở Công ty liên doanh Hoia (Nhật Bản), với mong muốn đỡ đần gánh nặng cùng bố mẹ nuôi hai em ăn học. Không được đào tạo, Hà đành chấp nhận làm việc với cường độ cao mà mức lương thấp, khoảng 2 triệu đồng/tháng. Chi tiêu dè sẻn, mỗi tháng Hà gửi về nhà được khoảng 200-300 ngàn đồng. Mỗi tuần có 2-3 ngày Hà phải đứng máy 12 tiếng, những ngày khác khoảng 8-10 tiếng. Không có sách báo, tivi, không giao lưu, học hỏi, ngoài giờ làm việc, cô chỉ biết vùi đầu trong  chăn ngủ cho lại sức. Cuối năm, giá rau, gạo, thịt, cá tăng vọt, Hà chỉ dám ăn uống đạm bạc, dành tiền mua vé và quà Tết cho bố mẹ và các em. Hà đã ngắm nghía kỹ mấy tấm vải ở chợ định mua tặng mẹ một tấm. Còn bố với các em, cô định mua mấy gói kẹo làm quà. Thế nhưng, mấy hôm đi hỏi giá ở chợ, mọi thứ đều tăng giá, Hà đang lo lắng không  biết có mua được quà cho người thân.

Hiện Hà đang cùng hai người bạn chung nhau thuê một căn phòng gần 9m2 với giá 500.000 đồng/tháng. Trong phòng hầu như chả có  đồ đạc gì giá trị, chỉ có 2 tấm chăn mỏng với vài bộ quần áo, ít bát đĩa, nồi xoong cũ. Hà bảo: "Bọn em làm gì có thời gian mà xem tivi, giải trí. Hết giờ làm việc, bọn em mệt bã người, chỉ muốn ngả lưng đi ngủ lấy sức, hôm sau còn đi làm". Khi hỏi về kế hoạch cho tương lai, mấy cô bạn cùng phòng Hà cười buồn: "Lương thấp chỉ đủ nuôi thân, bọn em sao dám nghĩ xa".

Chị Nguyễn Thị Hòa (24 tuổi, ở Tuyên Quang) làm việc tại KCN Sài Đồng  đã gần 5 năm. Niềm hạnh phúc sắp lập gia đình với một công nhân ở cùng nhà máy không khiến cô bớt lo. Hòa tâm sự: "Các chị ở đây khi mang thai chỉ đợi sinh con xong, đến khi đi làm, được công ty chi trả chế độ thai sản (dù ít ỏi) là nghỉ làm về quê. Với đồng lương bèo bọt như thế này, làm việc cật lực, ăn uống qua loa, làm sao đủ sức nuôi con?".

Trách nhiệm của các ngành, các cấp
Xã Kim Chung (huyện Đông Anh) có hơn 22.300 lao động từ tỉnh xa tới.  Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động nữ, Hội LHPN xã đã có nhiều chuyển biến trong hoạt động. Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Chung Nguyễn Thị Bưởi cho biết, từ hai năm nay, Hội Phụ nữ xã đã tăng cường tuyên truyền, kết nạp hội viên là lao động nhập cư trên địa bàn. Tại 3 thôn, Hội đã thành lập được 10 tổ, nhóm phụ nữ (mỗi tổ, nhóm khoảng 30 hội viên) sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật về lao động, hôn nhân và gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản… Hội còn cố gắng bảo vệ quyền lợi cho chị em mỗi khi ốm đau.

Bà Nguyễn Thị Bưởi tâm sự: "Lao động nữ ở các tỉnh về đây cư trú đều còn rất trẻ, tuổi từ 19-30, không có bằng cấp, nên chịu nhiều thiệt thòi. Một số cháu vì nghỉ ốm 2-3 ngày mà bị đuổi việc. Nhiều cháu do nhận thức có hạn, không được tiếp cận thông tin về sức khỏe sinh sản, lại thiếu thốn về tình cảm nên đã lầm lỡ, phải nạo, hút, phá thai, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tâm lý. Những chuyện nữ công nhân lỡ dại sinh con rồi bỏ không hiếm. Hiện đã có 4 cháu bị mẹ bỏ rơi được các chị trong làng nhận nuôi dưỡng… Bà Nguyễn Thị Bưởi cho biết, trong năm 2011, Hội sẽ tập trung giáo dục, nâng cao kiến thức cho lao động nữ xa nhà. Dù vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ làm việc tại các KCN, KCX, vấn đề nâng cao nhận thức, trình độ tay nghề để chị em đủ kiến thức tự bảo vệ mình và cải thiện được thu nhập mới là điều mấu chốt.

Hà Nội có 8 KCN với 100 nghìn lao động, hơn 60% là lao động nữ. Trong đó 65% lao động nữ chưa qua đào tạo, chấp nhận mức lương không bảo đảm cuộc sống, không ký hợp đồng, không có bảo hiểm. Thực trạng này đòi hỏi các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cần tập trung tuyên truyền, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chị em. Bên cạnh đó, rất cần thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật với lao động nữ tại các KCN, KCX, nhằm trang bị công cụ cho lao động nữ tự bảo vệ bản thân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người luôn chịu thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.