Xã hội

Những người con xứng đáng được tôn vinh

Quỳnh Dương ghi 19/08/2023 - 13:20

Cách đây hơn 10 năm, ngày 1-7-2013, Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực, tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội phát triển. Văn bản quan trọng này đã mang lại những kết quả toàn diện trong xây dựng và phát triển Thủ đô về mọi mặt.

Một điều khoản đáng chú ý trong Luật Thủ đô là việc ghi nhận, tôn vinh người nước ngoài có đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội (HAUFO) Trần Thị Phương đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới một số câu chuyện liên quan tới điều này.

yk.jpg

- Là người đã gắn bó với các hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố trong nhiều năm, bà có thể chia sẻ về ý nghĩa của Điều 7 Luật Thủ đô về danh hiệu Công dân danh dự?

- Một trong những dấu mốc quan trọng để cụ thể hóa quy định của điều 7 Luật Thủ đô là ngày 2-7-2013 - thời điểm HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội”. Việc xét tặng danh hiệu này nhằm ghi nhận, tôn vinh cá nhân là người nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, đồng thời góp phần củng cố hơn nữa tinh thần đoàn kết, hữu nghị và quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.

Theo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội, điều kiện để được xét tặng danh hiệu bao gồm: Người nước ngoài có đóng góp xuất sắc trên một số lĩnh vực hoạt động vì sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô vì mục tiêu hòa bình, tiến bộ, xã hội; tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp của Việt Nam; mỗi người chỉ được tặng danh hiệu công dân danh dự Thủ đô Hà Nội một lần và không áp dụng hình thức truy tặng. Bên cạnh đó, nghị quyết của HĐND Thành phố cũng quy định sẽ thu hồi danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội” đã xét tặng nếu cá nhân được xét tặng vi phạm, không tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp của Việt Nam. Hình thức trao tặng đối với danh hiệu này bao gồm tặng bằng công nhận danh hiệu và ghi tên vào Sổ vàng truyền thống của Thành phố.

Trên thực tế, lâu nay, ở nhiều quốc gia tiên tiến, các thành phố lớn đều đã có những hoạt động nhằm tôn vinh, tri ân những cá nhân là người nước ngoài có cống hiến đặc biệt. Họ có thể là những nhà khoa học, nhà kinh tế học hay nhà từ thiện... Ngoài việc ghi nhận công lao, đóng góp của các cá nhân, việc trao tặng danh hiệu, bằng khen còn giúp khích lệ, động viên người nước ngoài tiếp tục thực hiện những hoạt động có ý nghĩa tốt đẹp cho thành phố mà họ sinh sống và làm việc. Điều 7 Luật Thủ đô cũng hướng tới những mục tiêu ấy.

- Sau 10 năm triển khai Luật Thủ đô và Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND, Thành phố đã một số lần trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô” cho các cá nhân xuất sắc. HAUFO đã có những hoạt động phối hợp nào trong việc đề xuất trao tặng danh hiệu này?

- Nhiều năm qua, HAUFO luôn giữ mối quan hệ hợp tác hữu nghị, thân thiết với đại sứ quán các nước cũng như nhiều tổ chức quốc tế tại Hà Nội, ghi nhận nỗ lực của nhiều cá nhân trong các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ với các thủ đô, thành phố trên thế giới và đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Cùng với sự phối hợp của các sở, ngành Thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, HAUFO đã đề xuất danh sách cá nhân đáp ứng đủ điều kiện trình Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố xem xét, thẩm định và UBND Thành phố quyết định.

yk1.jpg
Nguyên Đại sứ Romania tại Việt Nam Valeriu Arteni được trao tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội năm 2019.

- Bà có thể chia sẻ một số ấn tượng và kỷ niệm với các cá nhân được trao danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô”?

- Kể từ khi Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND được thông qua, nhiều người nước ngoài đã được trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội” như nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt Evgheni Glazunov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt Vladimir Buyanov; nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesman Turro Gonzalez; cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama; nguyên Đại sứ đặc biệt Việt - Nhật/Nhật - Việt Sugi Ryotaro; nguyên Đại sứ Romania tại Việt Nam Valeriu Arteni.

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi nhắc tới những người này đó là sự trân trọng đối với những tình cảm sâu sắc mà họ đã dành cho Hà Nội. Đúng với danh hiệu được trao tặng, trong thời gian dài sinh sống và làm việc tại đây, họ không ngừng góp sức, cống hiến cho sự phát triển của mảnh đất mà họ coi là quê hương thứ 2. Mỗi người đã thực sự coi mình là người con của Hà Nội.

Đến giờ, tôi vẫn không thể quên ấn tượng của mình về nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesman Turro Gonzalez khi mới về công tác tại HAUFO năm 2008. Ông có vẻ bề ngoài rất “tây”, nói tiếng Việt không khác gì tiếng mẹ đẻ. Là quan chức ngoại giao nhưng cựu Đại sứ Cuba rất gần gũi và thân thiện, nhiệt tình tham gia rất nhiều hoạt động của HAUFO cũng như của Hà Nội. Ông Gonzalez lần đầu tới Việt Nam năm 1968 khi chỉ mới 18 tuổi, trở thành sinh viên khoa tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, trải qua nhiều cương vị công tác, chàng thanh niên Cuba luôn gắn bó với “dải đất hình chữ S”, nơi ông “sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Được bạn bè Việt Nam gọi với cái tên thân mật “đồng chí Hùng”, cựu Đại sứ Cuba là nhân chứng lịch sử cho nhiều sự kiện trọng đại của Việt Nam. Ông vui mừng khi quê hương thứ hai của mình giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, luôn hào hứng khi nói về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển.

Các đồng nghiệp lâu năm của tôi đều nhớ rõ tình cảm của ông dành cho HAUFO. Trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam từ năm 2008 đến khoảng năm 2013, khi thấy trụ sở của HAUFO ở phố Phan Chu Trinh còn nhỏ so với tầm mức một cơ quan đối ngoại nhân dân mà Thủ đô cần có, ông Gonzalez đã có ý kiến với lãnh đạo Thành phố về việc này. Ý kiến của ông đã được ghi nhận, góp phần vào việc HAUFO được nhận trụ sở mới sau đó.

Ngay cả khi đã kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, ông Gonzalez vẫn thường xuyên liên lạc với bạn bè cũ, trong đó có tôi, để hỏi thăm tin tức ở mảnh đất mà ông gắn bó từ những năm tháng thanh xuân tới lúc trưởng thành. Gần đây nhất, khi biết tin nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan từ trần, ông đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam. Ông cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm về đồng chí Vũ Khoan, người bạn chí tình của nhân dân Cuba.

Dù ở cách nửa vòng trái đất, nhưng trái tim ông vẫn đặt ở nơi này và “rất nhớ Hà Nội” là câu nói mà bạn bè ở Việt Nam của ông thường xuyên được nghe trong những lần trò chuyện. Khi được trao tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội năm 2014, ông rất xúc động, cam kết sẽ làm hết sức mình để tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và đoàn kết đã gắn bó nhân dân hai nước trong nhiều thập niên qua.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người con xứng đáng được tôn vinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.