Làm thế nào để nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô là nội dung quan trọng được các đại biểu tham luận tại Hội thảo khoa học “Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” vừa qua. Trong đó, cần đánh giá tác động của các quy định trong dự thảo Luật về các chính sách tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước của Thủ đô để từ đó đưa ra những kiến nghị phù hợp với thực tế hiện nay.
Tăng tính chủ động về ngân sách nhà nước
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành chương IV để đề cập về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô. Cụ thể, Khoản 1 Điều 36 quy định: “Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và thưởng cho Thủ đô tương ứng toàn bộ số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố, các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% vượt so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao…”.
Dự thảo Luật cũng đưa ra phương án ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại 100% khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, Vùng Thủ đô. Cùng với đó là các dự án PPP, dự án giao thông công cộng hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 của Luật này.
PGS.TS Bùi Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại cho biết, các biện pháp kể trên được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có vai trò nâng cao năng lực và tính chủ động về ngân sách nhà nước của Thủ đô nhằm thực hiện các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển. Tác động hết sức quan trọng của các giải pháp này là nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng của Thủ đô, nâng cao tính chủ động và tính tập trung của ngân sách nhà nước của Thủ đô khi phân bổ, sử dụng và giải ngân các nguồn lực về ngân sách nhà nước cho các mục đích chi đầu tư phát triển.
Theo PGS.TS Bùi Hữu Đức, điểm đáng chú ý là các biện pháp có tính khả thi cao do phần lớn các nguồn vốn này nằm trong khả năng thu của Thủ đô và không ảnh hưởng đáng kể tới cân đối ngân sách nhà nước trung ương. Vấn đề có tính chất quyết định là Thủ đô sẽ được trao quyền chủ động quyết định và có được một cơ chế rõ ràng về việc sử dụng, phân bổ và giải ngân các nguồn vốn này cho các mục đích chi đầu tư phát triển, tập trung cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.
Cần tính tới các cơ sở thực tiễn
PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, với vị trí là trung tâm, Hà Nội nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện phát triển. Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cần nằm trong bối cảnh quốc tế cũng như sự phát triển của đất nước. Vì vậy, việc đánh giá để xây dựng nội dung liên quan đến sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách của Thủ đô cần tính tới các cơ sở thực tiễn.
Góp ý các quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được đề xuất thành lập trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Tiến sĩ Trần Vũ Hải, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Ban soạn thảo cần bảo đảm thuyết minh được những nguyên tắc chung. Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được đề xuất thành lập gồm 3 quỹ, đó là Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô, Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội và Quỹ Học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô. Ban soạn thảo cần thuyết minh được sự cần thiết của quỹ được thành lập, trong đó nhấn mạnh đến tính đặc thù cần thiết cho Thủ đô mà các địa phương khác không có hoặc không thể có. Thuyết minh được việc thành lập quỹ là phù hợp với nguyên tắc, quy định của pháp luật có liên quan, mà cụ thể ở đây là Luật Ngân sách nhà nước.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Yến, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có quy định về nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô. Các quy định về nhà đầu tư chiến lược chỉ nằm trong một điều của dự thảo nhưng khá chi tiết, từ quy định về danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng; các ưu đãi mà nhà đầu tư chiến lược được hưởng; trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Các quy định này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên có phần chưa đầy đủ, chưa rõ ràng cần được hoàn thiện hơn trong dự thảo Luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.