(HNM) - Rời Tam Kỳ trong lúc trời mưa như trút nước, chúng tôi quay lại thị trấn Trà My để ngược lên xã Trà Bui, nơi tâm chấn của trận động đất trưa ngày 23-9.
Mưa tạt rát mặt, gió mạnh giật rách áo mưa, nhưng đầu chúng tôi chỉ quanh quẩn về những câu trả lời báo chí của chủ đầu tư, bên tư vấn thiết kế và các nhà khoa học trong cuộc họp báo về Thủy điện Sông Tranh 2 diễn ra ngày hôm trước. Trong khi người ta cứ cố tranh cãi xem phải bồi thường hay chỉ hỗ trợ, thì chúng tôi cảm thấy một vấn đề lớn lại không được nhắc đến. Đó là những món nợ của chủ đầu tư. Họ nợ những cánh rừng đại ngàn đã bị tàn phá, những dòng sông đã chết, những thiệt hại và nỗi lo đang treo lơ lửng trên đầu người dân đã hy sinh vì thủy điện…
|
Lòng sông Tranh nhìn từ cầu sông Tranh. |
Nhà nứt, cuộc sống bấp bênh
Đại diện chủ đầu tư khẳng định đập sẽ an toàn nên không cần có phương án phòng tránh cho người dân ở vùng hạ du, còn những hộ dân bị thiệt hại bởi động đất thì sẽ được xem xét hỗ trợ đền bù chứ không phải là bồi thường thiệt hại. Bên tư vấn thiết kế thừa nhận có thiếu sót khi xây dựng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ việc trích dẫn tài liệu của một cuộc hội thảo chứ không phải là kết quả của công trình nghiên cứu khoa học đến việc không tính đến những tác động của thủy điện đối với người dân. Còn Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng là GS.TSKH Nguyễn Văn Liên bảo đảm: "Nếu có xảy ra động đất thì đập không nứt. Đồng bào cứ an tâm". Làm sao mà đồng bào Cadong có thể an tâm được khi mà những trận động đất vẫn diễn ra, còn đời sống ngày càng eo hẹp?
Gần trưa, những nóc nhà ở trung tâm xã Trà Bui hiện ra trong làn mưa giăng mờ núi rừng. Trong bộ dạng lếch thếch, ướt mèm, chúng tôi vào việc ngay khi gặp anh Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui. "Nhà tái định cư nứt hết rồi vì người ta xây chất lượng kém quá! Trụ sở UBND xã cũng nứt nữa mà", anh Tiến nói. Xã có tổng cộng 321 hộ nhận nhà tái định cư (TĐC) thì đã thống kê, xác minh được 286 nhà bị hư hỏng, nứt ngang, nứt dọc, rớt la phông do động đất. Còn lại 35 nhà thực ra nhìn ngoài cũng thấy nứt nhưng vì chưa gặp được dân nên chưa đưa vào thống kê. Trước khi có động đất, nhà TĐC cũng đã xuống cấp rồi vì đơn vị thi công xây ẩu. Nhà thì bong tróc vữa, nhà thì lún sụt. Đến khi gặp động đất thì nứt hết. Trong khi đó, nhà của những hộ dân tự xây, hoặc nhà sàn bằng gỗ thì vẫn còn nguyên vẹn.
Người Cadong ở Trà Bui không dám ở trong nhà TĐC nữa. Nhà nào cũng dựng thêm một nhà gỗ ở bên cạnh vừa làm bếp vừa để ở. Cả nhà ông Đinh Ngọc Vân, ở thôn 2, Trà Bui cũng chuyển hết sang bên gian bếp dựng bằng gỗ phía sau để ở vì nhà TĐC của ông bị nứt ngang, nứt dọc. Có vết nứt hở toác nhìn được cả phía bên kia tường. Ông Vân bảo là sẽ làm đơn kiến nghị lên chính quyền xã, huyện xin hủy cái nhà TĐC đi vì không ở nổi. "Cái nhà mới này thua cái nhà cũ ở dưới Trà Bui cũ, ở nhà cũ bằng gỗ thích hơn nhiều", ông Vân nói.
Chủ tịch UBND xã Trà Bui Hồ Văn Tiến:
Người ta hứa với bà con nhiều lắm! Nhưng khi xong việc, tôi nhắc họ thực hiện nốt những điều đã hứa thì họ cứ lờ đi. Chính ông Trần Văn Hải, Trưởng ban QLDA Thủy điện 3 đã có lần hứa với bà con rằng khu TĐC sẽ hơn nơi ở mới. Nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn... |
Từ ngày chuyển lên đây, cuộc sống gia đình ông Vân trở nên khó khăn hơn. Nương rẫy ở xa mà lại cao nên không chăm sóc được kỹ dù chỉ gieo có 2 ang giống (tương đương 2 sào rẫy). Chỉ có mỗi năm 2010 lúa tốt nhà đủ ăn. Năm 2011, lúa cũng khá nhưng ông bị sỏi thận phải đi mổ ở dưới Tam Kỳ nên không thu hoạch được. Bao nhiêu tiền của trong nhà phải đổ ra để chữa bệnh. Chỉ riêng tiền thuốc đã mất hơn 10 triệu đồng. Năm nay thì mất mùa nặng. Hạn hán kéo dài nên lúa lép hết. Giờ cứ vào mùa giáp hạt là nhà ông phải đi lo gạo. Nhà cửa nứt không ở được, cuộc sống của gia đình gặp khó khăn khiến ông Vân càng nhớ nhà cũ hơn. Trước đây, mỗi mùa nhà ông cấy 7 ang giống, một năm 2 vụ, ruộng ở ngay sát nhà, cái ăn dư dả.
Toàn bộ 132 hộ ở thôn 2 mới, trước kia vốn ở thôn 1 nằm ngay ở trung tâm xã Trà Bui cũ. Tất cả ruộng, vườn, ao chuôm ở quê cũ giờ đã nằm sâu dưới lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2. Người Cadong ở Trà Bui bây giờ thiếu đủ thứ. "Chuyển lên đây chật hẹp nên khó xoay xở lắm", già làng Trung Ngọc Giám than phiền. Ngôi nhà sàn của già Giám dựng từ hồi mới chuyển lên khu TĐC giờ đầy tiếng trẻ con khóc vì chọc ghẹo nhau. Hồi chưa có động đất, già Giám để cho mấy đứa con lớn ở nhà TĐC nhưng từ bữa có động đất thì tất cả con cháu đều về ngủ ở nhà sàn của già.
Già Giám nhớ quê lắm vì ở dưới đó cuộc sống no đủ, cái gì cũng có. Ruộng gần nhà mà lại tốt. Vườn đầy cây, những ổi, mít, cam, quít, bòng, bưởi, chôm chôm, dứa… cây nào cũng cho trái theo mùa. Cây quế trước đây "nhất thôn 8, nhìn thôn 7" mùi thơm lan khắp vùng rộng. Ao thì có cá, có rau muống. Gần sông Tranh nên già cũng đi chài lưới, được nhiều cá lắm, những là khóa, bọp, chiên... Còn đặt được cả bẫy, bắn được thú ở trên nương gần rừng. Giờ lên đây, già tìm mỏi mắt mà không thấy cây proõa để làm nỏ, không thấy cây rễ khai để lấy về uống chữa đau lưng, không thấy sâm cao cẳng sống trên đá gần suối nước nóng để lấy về pha nước uống vừa mát vừa thơm… Cây lồ ô chưa đủ già để làm mũi tên. Nước sinh hoạt thì thiếu. Thèm ăn cá, ăn cua, ăn ốc để đổi bữa cũng không có.
Hứa nhiều nhưng làm ít
Đã ngoài bảy mươi tuổi, già Giám chưa bao giờ chứng kiến động đất liên tục như bây giờ. Già có nghe bố mẹ kể lại ngày xưa cả một ngôi làng gần đồi Độc Lập, gần thân đập bây giờ, bị thụt xuống đất, chỉ còn một người đàn bà và một con trâu sống sót. Kể từ ngày có xây thủy điện, cuộc sống của người dân Trà Bui và cả Bắc Trà My đảo lộn. Người Trà Bui chuyển đến nơi ở mới chưa ổn định cuộc sống. Thủy điện tích nước, động đất xảy ra liên tục, cuộc sống của đồng bào Cadong vốn đã bị đảo lộn giờ càng trở nên xộc xệch.
"Họ hứa làm chợ, làm sân vận động, làm đường từ ngày mới chuyển lên, giờ đã gần 5 năm rồi mà chẳng thấy động tĩnh gì", già Giám phàn nàn. Người ta xây nhà TĐC lại không xây bếp, bà con cũng phải ráng ở. Người ta xây bể nước, đến khi đường ống đoạn tắc, đoạn vỡ người ta cũng không sửa. "Nói miết mà người ta cũng không chịu làm nước cho dân. Thiếu cái nước khổ lắm", già Giám buồn rầu nói. Điện thì người ta chỉ làm cho 5 thôn vào khu TĐC là thôn 2, 3, 4, 5, 6. Còn những thôn bản của dân sở tại cũ thì vẫn chưa được mắc điện. Trớ trêu là ngay gần với đồng bào là một hồ chứa nước lớn để phát điện.
Bà con ở khu TĐC không chỉ thiếu nước, thiếu điện mà quan trọng hơn cả là họ vẫn chưa nhận được đất sản xuất theo kế hoạch. Khi chưa được nhận đất, UBND tỉnh ra văn bản hỗ trợ khai hoang cho người dân tùy theo số khẩu của mỗi hộ. Theo đó, hộ thấp nhất chỉ được nhận 600.000 đồng, hộ cao nhất được nhận khoảng 16 triệu đồng. Với số tiền này thì họ sẽ chẳng thể mua nổi đất để ổn định sản xuất và cuộc sống…
Còn nợ rừng, nợ dòng sông đã chết
Đã gần 5 năm kể từ khi người dân chuyển đến các khu TĐC, người dân ở Trà Bui nói riêng và người dân ở những vùng bị ngập khi thủy điện tích nước vẫn chưa nhận được đất sản xuất. Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương chuyển hơn 800ha đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh 2 sang thành đất sản xuất để giúp bà con nơi đây có đất để canh tác, tránh việc người dân không có đất sản xuất. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, hiện nay, huyện và Ban QLDA Thủy điện 3 đang đi xác lập hồ sơ để giải thửa diện tích đất này. Chưa biết bao giờ đất sản xuất mới đến được tay của người dân?
Trong khi chưa nhận đất, người dân đã phải lên rừng phát rẫy trồng lúa để duy trì cuộc sống vốn đã gặp nhiều khó khăn. Khi tích nước, Thủy điện Sông Tranh 2 đã vô tình tiêu diệt một diện tích rừng không nhỏ, làm mất đi môi trường sống vốn đã gắn bó với người Cadong từ bao đời nay. Đường lên Trà Bui ven theo hồ chứa Thủy điện Sông Tranh chúng tôi thấy những vạt rừng chết khô không phải vì thiếu nước hay cháy mà bởi bị ngập nước vào mùa mưa năm ngoái. Giờ nước hạ xuống để lộ ra hậu quả của việc tích nước. Đến giờ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh vẫn chưa nhận được tiền mà Ban QLDA Thủy điện 3 hứa cấp để trồng rừng phòng hộ.
Không chỉ nợ dân, Thủy điện Sông Tranh 2 còn giết chết luôn dòng sông đã nuôi bao thế hệ người Cadong và các tộc người, dòng sông vốn đã chảy qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại với minh chứng là di tích Khu ủy khu V tại xã Trà Tân. Dòng sông vốn đầy cá tôm, giờ trơ lòng mình đầy đá cuội trước mưa nắng. Còn đâu là "nhất chình, nhì chiên, tam niên, tứ khóa". Đã có thời người dân ở thị trấn Trà My tận mắt nhìn thấy những con cá chình nặng tới 25 ký, cá khóa tới 15 ký. Cứ ngày nào thích ăn cá những người như già làng Trung Ngọc Giám chỉ cần đi thuyền quăng chài, đặt câu 2 tiếng là cả nhà có bữa cá tôm đầy đặn. Giờ không còn nước, không còn dòng chảy, các loài cá đều dần bị tiêu diệt. Một phần nguồn sống của người dân hạ du dọc theo hai bờ sông Tranh đã bị mất đi.
Việc xây quá nhiều đập trên các con sông của Quảng Nam đã ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân. Thủy điện không chỉ nợ những người Cadong đã hy sinh vì thủy điện, những người có nhà hỏng do động đất kích thích gây ra mà còn mắc nợ với những người dân ở gần cửa sông bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập vào mùa khô.