Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những lỗ hổng…!

Hoàng Thu Vân| 02/10/2012 06:23

(HNM) - Thời gian qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có hàng loạt công văn gửi đến sở y tế các tỉnh, thành phố thông báo việc thu hồi và rút một số sản phẩm nhập khẩu khỏi danh mục các thuốc được lưu hành tại Việt Nam.

Mới đây nhất là 42 loại thuốc có chứa hoạt chất buflomedil gồm Buflomedil hydrochloride 150, Buflomedil 1%, Cefzid-150mg, Vincodil, Buflow 150mg, Medimedil 150mg, Buflomedil, Neubudil, Bufidin, Fondezil... chỉ định điều trị các rối loạn tuần hoàn não mãn tính, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não… Theo Hội đồng xét duyệt thuốc của Bộ Y tế, các loại thuốc trên gây ra phản ứng có hại nghiêm trọng đến tim mạch, thần kinh, tăng nguy cơ tử vong trong một số trường hợp.

Nghe mà sợ! Vậy nên mới lo về chuyện thu hồi các loại sản phẩm tân dược không bảo đảm chất lượng nêu trên, nhỡ ra còn sót những mặt hàng đó ngoài thị trường, người bệnh mua phải, uống vào nguy hiểm đến tính mạng. Lúc ấy "tiền mất tật mang", biết kêu ai!

Cũng mới đây, tại một hội thảo diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, các số liệu công bố cho thấy, mỗi năm Việt Nam có gần 1.000 trường hợp phản ứng thuốc với các nguyên nhân do thuốc kém chất lượng, sự gian dối của nhà sản xuất, do nhân viên y tế lạm dụng kê đơn hoặc do người bệnh tự mua thuốc sử dụng… Theo một số liệu công bố khác, năm 2009 có gần 200 lô thuốc bị thu hồi, năm 2010 có hơn 900 loại thuốc bị thu hồi… Tuy nhiên kết quả việc thu hồi các sản phẩm thuộc loại đặc biệt như thuốc tân dược, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng lại không thấy cơ quan chức năng công bố. Vậy cụ thể là bao nhiêu sản phẩm không đạt chất lượng đã được thu hồi? Còn bao nhiêu đang "trôi nổi" trên thị trường? Người tiêu dùng cần cảnh giác ra sao? Biện pháp giải quyết, trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thế nào?... Phải chăng đây là những lỗ hổng, những thiếu sót không hề nhỏ?

Vẫn chưa hết. Theo diễn giải của trung tâm kiểm nghiệm thuốc của một địa phương, thông thường từ khi lấy mẫu đến lúc có kết quả kiểm nghiệm thuốc mất từ 3 tới 7 ngày. Sau đó trình kết quả lên sở y tế và chờ quyết định đình chỉ lưu hành thuốc mất khoảng 15 ngày. Tiếp tục gửi mẫu và công văn lên Cục Quản lý dược báo cáo mất khoảng 15 ngày. Tổng cộng là hết hơn một tháng cơ quan chức năng mới có thể ra thông báo đình chỉ việc lưu hành khi sản phẩm tân dược không bảo đảm chất lượng. Với quy trình và thủ tục rườm rà như vậy, trong khoảng thời gian đó có bao nhiêu người bệnh đã mua phải những loại thuốc không bảo đảm chất lượng, thậm chí là những loại tân dược nguy hại cho sức khỏe, tính mạng? Hiện nay trong khi các ngành, các cấp đang đồng loạt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và hướng tới nền hành chính phục vụ, mà không hiểu vì lẽ gì, một vấn đề quan trọng như chuyện thu hồi các loại thuốc tân dược kém chất lượng lại không được chú trọng việc cải cách quy trình, thủ tục nhằm hạn chế tối đa việc lưu hành các sản phẩm này trên thị trường. Phải chăng là ngành chức năng, các cơ quan quản lý chưa hay biết về những bất cập đang tồn tại?

Điều cuối cùng, theo một số nhà làm luật, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế ràng buộc đối với các nhà sản xuất, phân phối và cơ sở bán lẻ trong việc thu hồi những sản phẩm tân dược kém chất lượng. Chủ một số hiệu thuốc còn cho biết, nếu có tiếp tục bày bán những sản phẩm này thì cũng chẳng thấy có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát…

Người ta chỉ sử dụng các loại tân dược vào việc điều trị các bệnh lý hoặc nâng cao sức khỏe, khả năng đề kháng của cơ thể. Vậy nhưng như đã nêu, chỉ riêng việc thu hồi các loại tân dược không bảo đảm chất lượng đã tồn tại quá nhiều bất cập. Kính thưa các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý: Đây là những lỗ hổng… chết người đấy! Đừng để "mất bò" rồi mới lo "làm chuồng"!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những lỗ hổng…!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.