(HNMO) - 45 năm đã qua đi, nhưng ký ức lịch sử về ngày tiếp quản hệ thống ngân hàng thuộc chế độ cũ tại Sài Gòn (tên gọi trước tháng 7-1976 của thành phố Hồ Chí Minh) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn được những thế hệ sau này nhắc đến một cách tự hào. Thời điểm đó, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên việc tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ diễn ra nhanh gọn, suôn sẻ.
Chiến dịch thần tốc
Ngay từ trước khi mở chiến dịch Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, tháng 3-1975, Bộ Chính trị đã có chỉ thị chuẩn bị tiếp quản và phương hướng giải quyết các vấn đề kinh tế ở vùng mới giải phóng, trong đó đặc biệt là lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Ngày 19-4-1975, Trung ương Cục miền Nam có Chỉ thị: “Gấp rút chuẩn bị bộ máy tiếp quản hệ thống ngân hàng, tín dụng, quản lý các kho tiền và kim khí quý, nắm tình hình hoạt động ngân hàng, tín dụng qua hồ sơ tài liệu và các nguồn khai thác…”.
Nhiệm vụ quan trọng nhất được Ngân hàng Nhà nước đặt ra thời điểm đó là tiếp quản hệ thống ngân hàng ở Sài Gòn, vì Sài Gòn là trung tâm kinh tế - tài chính của toàn bộ miền Nam.
Vào lúc 5h sáng 29-4-1975, tất cả các khối quân - dân - chính - Đảng Trung ương Cục miền Nam đồng loạt lên xe rời khỏi các khu rừng ở tỉnh Tây Ninh. Cả đoàn xe của quân tiếp quản có gần 400 chiếc, cắm cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nối đuôi nhau chạy dài hàng cây số. Tối 29-4-1975, đoàn nghỉ lại ở rừng cao su Dầu Tiếng. 5h sáng 30-4-1975, đoàn tiếp tục hành quân từ ngã tư Củ Chi, vào đến trung tâm thành phố Sài Gòn lúc 11h30 ngày 30-4-1975.
Ban Quân quản Ngân hàng khi đó có ông Lữ Minh Châu, Trưởng ban; ông Ba Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực; ông Năm Hải, Phó Trưởng ban; các cán bộ ngân hàng (C.32) Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam. Lực lượng cán bộ tiếp quản hệ thống ngân hàng ở Sài Gòn được hình thành từ 3 nguồn: Trung ương Cục miền Nam, đứng đầu là ông Trần Dương, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lúc đó là Phó Trưởng ban Kinh tài miền Nam; nguồn tại chỗ là số cán bộ “nằm vùng” tại Sài Gòn, trước đây đã từng làm việc trong các ngân hàng của chế độ cũ; cán bộ được chi viện từ miền Bắc. Phần lớn số cán bộ này đã có thâm niên công tác tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hoặc có kinh nghiệm về hoạt động ngân hàng tại thị trường tài chính tiền tệ ở phương Tây.
Theo sát bước chân của quân giải phóng, đoàn cán bộ tiếp quản hệ thống ngân hàng hành quân thần tốc, làm việc khẩn trương, nên đến sáng 1-5-1975, đã lần lượt đến tiếp quản: Ngân hàng Quốc gia ở số 17 Bến Chương Dương, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín ở số 79 Hàm Nghi và tất cả các ngân hàng khác.
Tiếp quản nhanh gọn hệ thống ngân hàng
Ban Quân quản Ngân hàng đặt trụ sở làm việc tại Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn, số 17 Bến Chương Dương. Từ đó, các cán bộ ngân hàng tỏa đi các cơ sở để nắm bắt tình hình, xử lý các vấn đề và triển khai những việc cấp bách.
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, việc tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ diễn ra nhanh gọn ở Sài Gòn và các tỉnh, thành phố. Ban Quân quản Ngân hàng đã tiến hành niêm phong và bảo vệ tất cả các loại tài sản; quỹ tiền mặt nội, ngoại tệ, kim khí, đá quý cùng các hồ sơ tài liệu của ngân hàng để chuẩn bị cho bước xử lý tiếp theo.
Sau những ngày đầu tiếp quản cơ sở vật chất và nhân sự, nhiệm vụ kiểm kê kho quỹ các ngân hàng bắt đầu được thực hiện một cách chặt chẽ giữa các viên chức ngân hàng cũ, ban tiếp quản mới và đại diện công an... Đến ngày 30-4-1975, tổng số vàng dự trữ quốc gia của chính quyền cũ còn lại gần 22 tấn. Trong đó có 16 tấn vàng thoi trữ ở tầng hầm Ngân hàng Quốc gia và 5,7 tấn vàng gửi tại Ngân hàng Thụy Sĩ.
Trong cuốn Lịch sử ngân hàng Việt Nam có thông tin, toàn bộ số tiền mặt của chính quyền cũ thu được là hơn 150 tỷ đồng. Cụ thể, tiền các loại thu được trong kho Ngân hàng Quốc gia là 125 tỷ đồng, gồm cả những tờ mệnh giá 1.000 đồng chuẩn bị phát hành vẫn đang niêm phong dưới tầng hầm Ngân hàng Quốc gia. Tiền quỹ lưu dụng 7,8 tỷ đồng và tiền quỹ của các ngân hàng tư nhân trên 19 tỷ đồng. Tổng dự trữ ngoại hối của chính quyền cũ là 252,2 triệu USD, số dư có 138,79 triệu USD do Ngân hàng Quốc gia và 26 ngân hàng thương mại gửi ở nước ngoài mà chủ yếu là Mỹ và Thụy Sĩ. Đây là một mức tương đối lớn tính theo thời giá lúc bấy giờ, có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục nền kinh tế Việt Nam sau chiến tranh.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nước ta bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Ngành Ngân hàng đã khẩn trương tiếp quản và cải tạo hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, xây dựng hệ thống ngân hàng mới của chính quyền cách mạng, thực hiện thống nhất tiền tệ trong cả nước; ban hành và thực hiện nhiều biện pháp về tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối, thanh toán để góp phần ổn định tình hình kinh tế và lưu thông tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn và tiền mặt cho sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống; mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế cho công cuộc tái thiết đất nước.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được của ngành và đất nước. Ngành Ngân hàng đã cùng với đất nước góp phần viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do và xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.