Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ký ức hào hùng

Phương Nhi| 18/08/2014 15:53

(HNM) - 50 năm trước, ngày 2 và 5-8-1964 đã đi vào lịch sử của Quân chủng Hải quân Việt Nam.



Nhờ vận dụng sáng tạo thế trận chiến tranh nhân dân, Hải quân Việt Nam đánh đuổi thành công tàu khu trục Maddox của Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta, tiêu diệt 8 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái đã gây một tiếng vang lớn. Sự kiện đó đã trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. 50 năm đã qua, nhưng với những người cựu binh năm xưa, mỗi lần được kể lại, bao cảm xúc lại ùa về trong tâm trí.

Len lỏi sâu trong con ngõ nhỏ Thổ Quan trên phố Khâm Thiên (Đống Đa), cuối cùng chúng tôi cũng tìm gặp được ông Nguyễn Nhật (tên thật là Nguyễn Nhật Bản, sinh năm 1939, quê Nghệ An) để được nghe ông kể những câu chuyện năm xưa. Ít ai biết ông từng là người lính chiến đấu trên tàu 124, phân đội 3 thuộc Lữ đoàn 171 oanh liệt năm nào. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng nhớ về trận chiến năm xưa, người lính già vẫn bồi hồi xúc động.

"Tôi là lớp lính nhập ngũ năm 1961, sau được phân về tàu 124, phân đội 3, Lữ đoàn 171. Tại tàu, tôi giữ cương vị tiểu đội trưởng, tiểu đội hàng hải, đồng thời giữ luôn tứ quý 4" - Ông Nhật hóm hỉnh - "Lính lái số 1, ban 1 (trực canh), vị trí 1, tiếp pháo 1. Sau tôi là Đồng Quốc Bình (đã hy sinh trong trận đánh ngày 5-8-1964) ở lính lái số 2, ban 2, vị trí 3, tiếp pháo 5".

Rồi ông kể lại: Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8-1964, đơn vị của ông nhận được lệnh sẵn sàng cơ động và chiến đấu. Khi đó, thông tin cấp báo về, tàu khu trục Maddox của Mỹ đã vượt vỹ tuyến 17 vào miền Bắc, luôn thăm dò và sử dụng những chiêu bài khiêu khích Hải quân ta. Lệnh báo động chiến đấu được phát ra, tất cả anh em trên tàu đều không được rời tàu.

Ngày 5-8-1964, Mỹ mở màn cuộc tập kích đường không xuống miền Bắc, cùng với đó là pháo hạm thi nhau bắn phá các cơ sở kinh tế và quân sự của ta. Chúng tôi bước vào trận chiến ác liệt với giặc Mỹ - Ông Nhật bồi hồi nhớ lại - Tại vùng biển Hòn Gai (Bãi Cháy), mở màn cho đợt tấn công, một tốp máy bay Mỹ lao xuống ném bom dữ dội đã bị các tàu 122, 124, 134, 144 thuộc Khu tuần phòng 1. Khi đó, thuyền phó Trần Văn Truyền chỉ huy tàu hạ lệnh nhổ neo thật nhanh. Trong tiếng gầm rú của máy bay phản lực, thuyền viên Ngô Huy Hoàng (người Hà Nội) dẫn tổ ra mũi tàu quay neo. Khi máy bay giặc bổ nhào bắn phá thì những vòng xích neo cuối cùng đã quay xong. Con tàu rẽ nước xa bờ, vừa chạy tránh đạn vừa bắn trả quyết liệt. Ngay những phút đầu, 1 phản lực Mỹ bốc cháy đâm đầu xuống biển.

- Chúng tôi gặp nạn là lúc 3h15' - Ông Nhật kể tiếp - khi đó tàu dính một mảnh rốc két nhưng cũng chính thời khắc đó, chất lính trong đồng đội chúng tôi tỏa sáng, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đó là hình ảnh của Ngô Huy Hoàng, người chiến sĩ đã không hề nao núng trước làn đạn quân địch để chuyển đạn nhanh tới mâm pháo hỗ trợ đồng đội. Anh bị một mảnh rốc két văng vào chân, máu chảy lênh láng, nhưng ráng chịu đau, không băng bó vết thương để khuân tiếp đạn cho đồng đội. Trước khi hy sinh, anh vẫn còn nói với các đồng đội mình rằng: “Phải xé xác chúng ra, phải bảo vệ được hạm tàu!”. Đó là hình ảnh của Đồng Quốc Bình (người Hải Phòng) đã 3 lần bị thương vào bụng và chân. Nhưng anh vẫn dũng cảm nén đau, tiếp đạn cho đồng đội...

Trong trận chiến đó, để bảo vệ an toàn tàu, chúng tôi đã hy sinh 9 người. Nhưng sự hiệp đồng giữa các đơn vị, căn cứ hải quân Bãi Cháy phối hợp với các lực lượng phòng không, dân quân, tự vệ, chúng ta đã bắn hạ 4 chiếc máy bay và bắn bị thương một chiếc khác, bắt sống tên Trung úy giặc lái Anveres. Sự thay đổi hỏa lực ở các tàu chúng tôi (tháng 4-1964) như được cấp pháo 37mm, hai nòng, bắn liên tục và được làm mát bằng nước biển, bổ sung pháo 12,7mm bên mạn tàu đã khiến cho quân địch bất ngờ. - Ông Nhật nhấn mạnh - Trận chiến đó, các lực lượng hải quân đã hiệp đồng chiến đấu cùng quân dân miền Bắc làm cho đế quốc Mỹ không thực hiện được âm mưu đen tối của chúng.

Chiến thắng này được xem là chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam, không chỉ làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ hải quân mà cả quân dân cả nước. Đó cũng chính là cái cớ để Mỹ dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo hải quân ta tấn công tàu chiến Mỹ ở hải phận quốc tế; từ đó Mỹ tấn công đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những ký ức hào hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.