Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những hồn thơ ra trận

Thi Thi| 19/02/2015 16:05

(HNM) - Tết Ất Mùi 2015 đánh dấu 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhìn lại một chặng đường lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi thơ ca cất tiếng không chỉ bằng trách nhiệm công dân, mà bằng những rung cảm mạnh mẽ trước hiện thực cách mạng, hiện thực từ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Cả một lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cùng chung một nguồn cảm hứng mãnh liệt trên con đường ra trận với lý tưởng sống và ý thức trách nhiệm rõ ràng. Thật khó điểm hết trong trang viết này gương mặt cả một nền thơ lớn, và cũng không nên xác định chỉ những bài thơ cổ vũ lên đường ra đời trước và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mới làm nên vẻ đẹp hồn thơ ra trận. Bằng đôi nét phác họa những gương mặt thi ca đã trưởng thành trong những năm tháng ấy, ta cùng cảm nhận vẻ đẹp của những hồn thơ hòa quyện cảm xúc, nghệ thuật với lý tưởng cách mạng.

Trước hết, như nhà thơ Bằng Việt chia sẻ thì đó là một thời “thơ tràn đầy sự phấn khích và say mê lý tưởng”. Chẳng phải đã có “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” của Phạm Tiến Duật, mà đến giờ này, sống giữa hòa bình mà ta vẫn thấy lòng nao nao. Hay Thanh Thảo: “Người ta không thể chọn để được sinh ra/Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng, phút giây, năm tháng ấy...”, “Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình/Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc.../Cỏ sắc mà ấm quá phải không em?”...

Các nhà thơ thời chống Mỹ đã chọn lọc, sử dụng thành công chất liệu đời sống để nâng tầm thành phong cách sử thi, anh hùng ca. Nhưng với sự thăng hoa cảm xúc trữ tình, chất lãng mạn cách mạng và bút pháp thể hiện mới mẻ hơn so với cách nói truyền thống khiến “những bài ca ra trận” không khô khan, hô hào sáo rỗng, mà lay động và đủ sức neo lại trong lòng người đọc. Hãy nghe câu thơ Phạm Tiến Duật viết trên đường hành quân: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”.

Trở lại với thi ca những năm đỏ lửa chiến tranh, ta không khi nào hết ngạc nhiên trước những vần thơ của Ngô Quân Miện, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Nhuận Cầm, Văn Lê, Thạch Quỳ, Bằng Việt, Nguyễn Thị Hồng Ngát. Những năm tháng chiến tranh, nhà thơ không tô hồng hiện thực, tự chiêm nghiệm về bản thân và thế hệ mình. Như Xuân Quỳnh đã nói: “Ngọn gió Lào, cát trắng của đời tôi/Tôi của cát, của gió Lào cát trắng”... Như Hữu Thỉnh khắc khoải đến tận cùng: “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/Em níu giường níu chiếu đợi anh”. Lâm Thị Mỹ Dạ khiến mỗi người mạnh mẽ hơn ngay trong đau khổ: “Tên con đường là tên em gửi lại/Cái chết xem xanh khoảng trời con gái/Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em”...

Nhà phê bình Lại Nguyên Ân nhận định: “Sau khi kết thúc chiến tranh (năm 1975), trong những năm 1975-1985, lực lượng thơ trẻ xuất hiện từ giữa những năm 1960 giờ đã trở thành lực lượng chính của văn học”. Nếu chỉ hô hào, nếu không phải là những hồn thơ giàu nội tâm, tài hoa... thì liệu sự vẻ vang của cuộc chiến có nâng đỡ được cả một dòng thơ như thế? Nhiều tập thơ của các tác giả thời kỳ ấy, đến nay là tài sản của văn học nước nhà như “Vầng trăng quầng lửa” (1970) của Phạm Tiến Duật, “Gió Lào cát trắng” (1974) của Xuân Quỳnh, “Mặt đường khát vọng” (1974) của Nguyễn Khoa Điềm, “Những gương mặt, những khoảng trời” (1973) của Bằng Việt...

Có thể nói, như chính các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ đã tự soi mình giữa dòng chảy chung của văn học Việt Nam hiện đại, rằng thơ ca thời kỳ ấy không phải là không có những thô mộc, hoang sơ, vụng dại... Nhưng chính sự không hoàn hảo một cách chân thành ấy cùng cảm hứng trữ tình hòa điệu với lý tưởng khát vọng cứu nước đã làm nên vẻ đẹp có một không hai của nền thơ ca chống Mỹ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hồn thơ ra trận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.