Thơ Nguyễn Ma Lôi giàu chất tự sự. Mỗi bài thơ của ông gần như một câu chuyện cảm động, chân thành. Ông là người luôn hướng về quá khứ, lòng chất chứa nhiều tâm sự. Thơ ông gắn với những kỷ niệm của một người thiên về nội cảm trong tâm thế “ngoảnh đầu nhìn lại”.
“Đêm nay, sân nhà tớ sáng hơn” là tên một bài thơ, đồng thời là tên một tập thơ, là minh chứng một phần cho nhận xét trên. “Đêm nay, sân nhà tớ sáng hơn/ Cô bé rủ tôi và khẳng định như thế/ Sàn sàn nhau, trong xóm mấy mươi đứa/ Hò hét đùa vui, náo động cả góc làng”... Phải thật non dại, trong sáng, lại có phần thành thật một cách cố hữu nữa, cô bé mới có một niềm tin dứt khoát như vậy! Đó cũng là một niềm tin chỉ ở trẻ thơ mới có, rất đáng yêu và khó lặp lại trong cuộc đời mỗi người, nếu không muốn nói là một đi không trở lại. Rồi vẻ đẹp cái đêm “sân nhà tớ sáng hơn” còn ám ảnh đến nỗi: “Mấy mươi năm rồi, chiến tranh lùi xa/ Anh cô ấy cũng không về nữa/ Tôi chắc chắn, trong bao hình ảnh anh ấy đem theo về xứ lạ/ Vẹn nguyên đêm trăng, bọn trẻ đùa vui trước sân nhà”.
“Hy vọng trên đời chẳng còn” - thực chất là một câu chuyện kể về một người chết trẻ, ngay ở ngõ nhà Nguyễn Ma Lôi và đương nhiên “những hồn ma như thế, vẫn thường gọi cô hồn”. Nhưng với Nguyễn Ma Lôi lại khác: “Lúc sống, anh ấy với gia đình tôi, chẳng hề liên quan/ Giờ bỗng trở thành một phần của ngày giỗ, tết”. Và Nguyễn Ma Lôi chợt có ý nghĩ rất thánh thiện: “Hy vọng trên đời chẳng còn cô hồn lang thang vơ vất/ Tháng Bảy, ngày rằm, nay mẹ tôi lại chống gậy lên chùa”. Tiếp tục mạch suy nghĩ này, Nguyễn Ma Lôi triển khai thêm trong “Không ai bị lãng quên” để “Thương người chết vơ vất nơi xa” và cầu mong “Trên đời, không ai bị lãng quên”. Như vậy, ở giữa “Thương người chết vơ vất nơi xa” và “Trên đời, không ai bị lãng quên” là một tấm lòng nhân bản mang nhiều ý nghĩa, xóa đi nhiều khoảng cách.
Nguyễn Ma Lôi là người nặng lòng. Nhiều lúc ông như lạc về thời nảo thời nào để sống với cái đã qua với nỗi xót xa, nuối tiếc không dứt. Ông mang trong lòng “nỗi nhớ ngày xưa”: “Rơm rạ ngày xưa ơi, sao nhớ quá! Đồng ruộng thu hẹp rồi, mọi thức không xưa rồi/ Gặt hái xong, rơm rạ đốt, cả cánh đồng bốc cháy/ Mùi khói quẩn quanh ta, sao vẫn giống ngày xưa?” (“Sao vẫn giống ngày xưa”); “Hoa gạo bên đình vẫn cháy/ Mái đầu ta bạc mất rồi/ Thẫn thờ nhìn dòng nước chảy/ Ngày xưa, nhớ quá em ơi!” (“Ngày xưa nhớ quá”); “Tìm đâu bờ bãi ngày xưa/ Trẻ trâu lại đánh trận giả/ Bao năm rồi cỏ mía/ Trong ta vẫn ngọt đến giờ” (“Trong ta vẫn ngọt đến giờ”)... Trong thời buổi 4.0, Nguyễn Ma Lôi vẫn nhớ ngày xưa đến mức: “Từ đây sang đấy, nửa vòng trái đất/ Mạng máy tính cho ta thấy nhau và nói chuyện hàng ngày/ Sao cứ thèm một cái nắm bàn tay” (“Chùm thơ ba câu”).
Nguyễn Ma Lôi có phải là người có tu tập và thực hành chánh niệm của nhà Phật không? Tôi không biết. Nhưng khi đọc “Hãy trở về với thực tại này thôi” với những câu: “Hãy trở về thực tại này thôi/ Nhân vô thập toàn ai mà không có vết?/ Vui vẻ, bằng lòng với những gì có được/ Lành lạnh trăng lên, hình như đã thu sang”, thì tôi tin ông đã sống với “ở đây” và “bây giờ” đến từng sát na. Bài thơ này như đi ra khỏi “trường thơ” của ông - một người vốn chất chứa quá khứ, hàm chứa quá khứ.
Ở trong con người thơ Nguyễn Ma Lôi dường như luôn có sẵn một sự mong manh, dễ vỡ - điều này giống như bản năng của một người làm thơ. Vì lẽ ấy mà nhiều lúc ông có những khoảnh khắc thi sĩ với những câu lục bát tài hoa: “Đi qua rồi những ngày ngâu/ Thong thả tiếng mõ, với câu kinh dài/ Đồng hồ thả tiếng khoan thai/ Ngoài vườn đâu đó có vài lá rơi” (“Xin đừng đi nhé”). Và có lúc con người thi sĩ trong ông như hốt nhiên hướng về cõi mông lung, thăm thẳm trong “Lời cây mùa đông” như chỉ để: “Ta thương hại mặt trời, chút nắng vàng mỏng mảnh/ Ta xót xa trăng mờ, yếu ớt cuối trời xa”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.