(HNM) - Đã 77 năm kể từ khi những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mỗi khi đến dịp Quốc khánh 2-9, sự kiện này vẫn được nhắc đến, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…
Theo tư liệu lịch sử, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, vấn đề tài chính, tiền tệ một lần nữa lại được đặt ra cấp thiết. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, việc rút tiền qua tài khoản ở Ngân hàng Đông Dương chấm dứt. Hơn bao giờ hết, đồng tiền của nước Việt Nam độc lập cần gấp rút ra đời phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 27-10-1945, Hội đồng Chính phủ đã họp và quyết định việc in giấy bạc sẽ đặt tên là đồng bạc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng khẳng định trong Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" ngày 25-11-1945: "Lập quốc gia ngân hàng, phát hành giấy bạc, định lại các ngạch thuế, lập ngân quỹ toàn quốc, các xứ, các tỉnh".
Để in được giấy bạc đòi hỏi nhiều yếu tố phức tạp như: Mẫu vẽ, giấy, nhà in, nhưng dập tiền kim loại thì đơn giản hơn. Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt phương án vừa dập tiền kim loại vừa in giấy bạc và dập tiền kim loại được tiến hành trước. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên lâm thời Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao chỉ đạo toàn bộ công việc in và phát hành giấy bạc Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Đồng, ngay những ngày cuối năm Ất Dậu 1945, những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời ngay tại hầm nhà Bát Giác (Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày nay).
Những đồng tiền đầu tiên xuất xưởng là đồng 2 hào, 5 hào, 1 đồng bằng nhôm và 2 đồng bằng đồng. Đến ngày 1-12-1945, Sở Ngân khố cho lưu hành đồng 2 hào mới bằng nhôm sau đó là đồng 5 hào, rồi các loại tiền 2 đồng bằng đồng và 1 đồng bằng nhôm.
Ngày 31-1-1946, tiền giấy đã được phát hành, khẳng định nền tài chính độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiền Việt Nam được phát hành có nhiều mệnh giá. Các loại giấy bạc này có ký tên Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng hoặc Giám đốc Ngân khố Trung ương Lê Văn Hiến, do đó ngoài tên gọi là giấy bạc Cụ Hồ, còn gọi là "đồng bạc tài chính". Cuối tháng 11-1946, Quốc hội họp và tuyên bố công khai quyết định phát hành đồng bạc Việt Nam trên toàn quốc.
Đến cuối năm 1947, Trung ương cho phép Nam Bộ được phát hành giấy bạc riêng và lưu hành chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nước ta đã có đồng tiền riêng phát hành trong toàn quốc từ Bắc đến Nam.
Từ những tờ tiền giấy đầu tiên được in trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, khó khăn đến những tờ tiền polymer của hiện tại là cả một bước tiến dài. Những tờ tiền có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là hình ảnh của một dân tộc tự do, mà còn là niềm tự hào của cả một dân tộc đã bước qua nhiều trang hào hùng để có được vị thế hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.