(HNM) - Năm 2016 đi qua với một số điểm sáng của nền kinh tế, nhất là về kết quả thu hút đầu tư thông qua hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ và vừa.
Sản xuất các mặt hàng cơ khí tại Công ty TNHH Tâm Hợp (Sóc Sơn). Ảnh: Viết Thành |
Thành tích ấn tượng
Năm qua, riêng Hà Nội đã có 22.365 DN ra đời, với tổng vốn đăng ký là 226 nghìn tỷ đồng, tăng 19% về số DN và tăng 62% về vốn. Như vậy, mức độ và tốc độ gia tăng DN đăng ký, nhất là xét về số vốn trên địa bàn Thủ đô, còn cao hơn cả mức chung toàn quốc. Đây là kết quả ngoạn mục, là hành trang để kinh tế thành phố bước vào năm kế hoạch 2017. Các chuyên gia cho rằng, cùng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời của chính quyền, các cơ quan chức năng, chắc chắn số vốn nói trên sẽ nhanh chóng chuyển thành những dự án mới, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Cũng qua đó, quy mô nền kinh tế Hà Nội sẽ gia tăng. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 207 nghìn DN đang hoạt động, đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, lực lượng DN dân doanh thường xuyên đóng góp 40% GDP và mỗi năm tạo ra thêm 140 việc làm mới. Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội, những kết quả nổi bật trên có được dưới tác động từ chính sách của Nhà nước cũng như sự điều hành quyết liệt của chính quyền thành phố trước mục tiêu hỗ trợ DN, hơn thế là tinh thần phục vụ DN. Đơn cử, Sở Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị đầu mối của các hoạt động hỗ trợ DN đã có nhiều nỗ lực liên tục và hiệu quả trong công tác hỗ trợ; đặc biệt là đồng hành cùng DN ngay từ khi bước vào thương trường. Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đến hết tháng 9-2016, số lượng DN đăng ký thành lập mới đã ngang bằng cả năm 2015, góp phần tạo ra sự hứng khởi và kích đẩy làn sóng khởi nghiệp trên diện rộng. Bản thân chính quyền, các sở, cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Trên thực tế, thứ hạng của Hà Nội trong bảng xếp hạng đã tăng liên tục trong mấy năm qua và tăng 2 bậc (xếp hạng 24) trong năm 2015. Đến nay, dư luận vẫn xác nhận, đánh giá cao sự đi đầu của Hà Nội trong cải cách, hỗ trợ DN với việc cắt giảm thủ tục thành lập DN từ 5 ngày xuống 3 ngày trước 6 tháng so với quy định. Sự chuyển biến diễn ra rõ ràng, lan rộng từ mỗi cơ quan đến từng cán bộ, nhân viên. Ông Tứ nhấn mạnh, mặc dù khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, liên tục nhưng đội ngũ cán bộ đều xác định tinh thần “làm hết việc, chứ không tính làm hết giờ”, với thái độ thân thiện, chủ động giải quyết các vấn đề của DN.
Tiếp tục chủ động vươn lên
Tuy vậy, DN dân doanh cũng bộc lộ những hạn chế, điểm yếu cần nhận diện để sớm khắc phục. Đó là tình trạng tuy đông nhưng chưa mạnh, một tỷ lệ không nhỏ DN chưa có sự bứt phá, hướng đi sáng tạo hoặc thiếu trình độ, năng lực quản lý theo chuẩn quốc tế; chưa quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho mục tiêu đổi mới công nghệ, bị động trong việc tìm thị trường, đặc biệt là gặp khó trong việc len chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu… Bản thân nền kinh tế Thủ đô cũng ẩn chứa một số hạn chế, nhất là sức vươn trong xuất khẩu, đơn cử kim ngạch xuất khẩu của địa phương chỉ đạt hơn 8 tỷ USD năm 2016, tăng 1,5% so với năm ngoái. Rõ ràng, đây là mức tăng trưởng thấp hơn hẳn so với tốc độ chung của cả nước. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng chậm đổi mới, thiếu vắng mặt hàng chủ lực và có tính cạnh tranh mạnh hoặc độc đáo.
Hiệp hội DNNVV đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong thời gian tới. Đó là, đề nghị Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV trong thời gian sớm nhất, trong đó nhấn mạnh nội dung bình đẳng, minh bạch cũng như tập trung vào việc hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ. Tiếp theo, thúc đẩy các liên kết cốt lõi, chủ lực và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới giữa các DN khởi nghiệp cũng như với DN đầu tư nước ngoài. Công tác quản lý thị trường, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái và chống buôn lậu phải tiếp tục được tăng cường để bảo vệ DN chân chính, khẳng định môi trường kinh doanh công khai, minh bạch trong hội nhập quốc tế... Hiệp hội DNNVV đề nghị, trước mắt, thành phố thành lập tổ công tác đặc biệt, có đại diện các sở, ngành tại bộ phận “một cửa”, tiếp nhận các kiến nghị và để giải quyết vướng mắc, đề nghị của DN. Chính quyền thành phố cũng chủ động tuyên truyền, hướng dẫn DN thực hiện quy định của Nhà nước. Công tác thanh, kiểm tra được triển khai một cách công khai, khoa học, tránh chồng chéo, trùng lắp, ngăn chặn triệt để tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu DN.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng cho rằng, công cuộc cải cách là quá trình liên tục, không thể chủ quan, nếu không đổi mới thì sẽ đối diện với nguy cơ tụt hậu. Chất lượng, hiệu quả của công tác điều hành sẽ được đong đếm bằng sự hài lòng của cộng đồng DN, với yêu cầu ngày càng hoàn thiện, chỉ đạo xuyên suốt từ UBND thành phố đến từng đơn vị chức năng một cách nhanh gọn, kịp thời… Các hoạt động đăng ký qua mạng, nâng cao tỷ lệ DN kê khai thuế và nộp thuế điện tử sẽ trở nên phổ biến hơn trong năm 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.