Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những dấu mốc quan trọng tiến tới Hiệp định Paris 1973

Theo VOV.VN| 18/01/2013 14:29

Từ năm 1968, các bên đã ngồi vào thương lượng nhưng mãi đến ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris mới được ký.

Năm 1968


Ngày 31-3-1968
Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris.

Ngày 3 tháng 4
Chính phủ Việt Nam DCCH tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ để xác định điều kiện có thể bắt đầu nói chuyện tay đôi.

Ngày 13 tháng 5
Hai đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Mỹ họp phiên đầu tiên tại “Trung tâm Hội nghị Quốc tế” tại Paris (Hội trường Kléber).

Toàn cảnh cuộc ký kết Hiệp định tại Paris. Ảnh Tư liệu


Ngày 3 tháng 6
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris, đến Paris.

Ngày 8 tháng 9
Trong cuộc gặp riêng đầu tiên của Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và Harriman, trưởng đoàn Mỹ tỏ ra nôn nóng muốn sớm đi vào bàn các vấn đề thực chất.

Ngày 21 tháng 10
Trưởng đoàn Xuân Thủy thông báo chấp nhận cuộc hội nghị bốn bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 31 tháng 10
Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá chống miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 năm 1968 bất chấp phản đối của Tổng thống Thiệu.

Ngày 27 tháng 11
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận cử đại diện đi họp Hội nghị Bốn bên ở Paris.

Ngày 7 tháng 12
Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa do Nguyễn Cao Kỳ làm cố vấn, Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn rời Sài Gòn đến Paris.

Ngày 10 tháng 12
Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam của Đoàn đi dự Hội nghị Paris do Trần Bửu Kiếm làm Trưởng đoàn và Nguyễn Thị Bình làm Phó đoàn.

Năm 1969

Ngày 25 tháng 1
Hội nghị Bốn bên ở Paris về Việt Nam khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Paris.

Ngày 8 tháng 5
Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp toàn bộ Mười điểm cho việc giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam, trong đó nêu “vấn đề các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”.

Ngày 6 tháng 6
Thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Ngày 10 tháng 6
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam quyết định chuyển Đoàn Đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam thành Đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Ngày 4 tháng 8
Thông quan trung gian Jean Sainteny, nguyên Tổng đại diện Pháp tại Hà Nội, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ H. Kissinger bí mật gặp Xuân Thủy lần đầu ở Paris để bàn về Việt Nam. Cùng dự với Bộ trưởng Xuân Thủy có Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp Mai Văn Độ.

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đón Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh đến Paris để ký hiệp định hòa bình, sân bay Bourget ngày 25 tháng Giêng 1973. Ảnh Tư liệu


Năm 1970

Ngày 21 tháng 2
Cuộc gặp riêng đầu tiên tại Paris giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy với Cố vấn H. Kissinger. Từ đó bắt đầu các cuộc gặp riêng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn Kissinger.

Ngày 14 tháng 9
Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đưa ra lập trường “Tám điểm” về giải pháp cho vấn đề Việt Nam.

Ngày 17 tháng 9
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 80 Hội nghị Paris về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đưa ra đề nghị “Tám điểm - nói rõ thêm” về một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, bao gồm việc rút quân Mỹ và thả tù binh cùng một thời hạn và thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 18 tháng 10
Tổng thống R. Nixon đưa ra đề nghị Năm điểm trong đó không đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Ngày 10 tháng 12
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 94 Hội nghị Paris về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đưa ra Tuyên bố Ba điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về ngừng bắn, đòi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam vào ngày 31 tháng 7 năm 1971.

Ngày 11 tháng 12
Nixon đề nghị “trao đổi 8.200 tù binh Bắc Việt Nam lấy khoảng 800 tù binh Mỹ và đồng minh”.

Năm 1971


Ngày 31 tháng 5
Tại cuộc họp riêng với Bộ trưởng Xuân Thủy ở Paris, Cố vấn Kissinger đưa ra đề nghị “cuối cùng” Bảy điểm tách vấn đề quân sự và vấn đề chính trị, mặc dù trước đây Mỹ nhận sẽ bàn cả hai.

Ngày 26 tháng 6
Trong cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ - Kissinger, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra đề nghị Chín điểm, tập trung đòi Mỹ thay Nguyễn Văn Thiệu.

Ngày 1 tháng 7
Tại phiên họp thứ 119 của Hội nghị Bốn bên, Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời đưa ra đề nghị Bảy điểm về thời hạn rút quân Mỹ và thả tù binh, thành lập ở Sài Gòn một chính quyền không có Thiệu.

Ngày 16 tháng 8
Tại cuộc gặp riêng với phía Việt Nam ở Paris, Kissinger đưa ra Tám điểm, về cơ bản vẫn giữ lập trường cũ: Không muốn giải quyết toàn bộ vấn đề mà chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự, lấy được tù binh về Mỹ.

Đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Chính phủ VNDCCH ký Thông báo chung với Hoa Kỳ về thực thi Hiệp định Paris ngày 13-6-1973 - Ảnh: Phòng lưu trữ Bộ Ngoại giao

Năm 1972

Ngày 25 tháng 01
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam công bố chính sách Mười điểm đối với binh sĩ và nhân viên chính quyền Sài Gòn.

Tổng thống Nixon đơn phương công bố “Kế hoạch hòa bình Tám điểm” (do Kissinger đưa ra ngày 16 tháng 8 năm 1971) và nội dung các cuộc gặp riêng Mỹ - Việt.

Ngày 31 tháng 01
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Giải pháp Chín điểm, đồng thời vạch rõ Nhà Trắng đã vi phạm thỏa thuận hai bên không công bố nội dung các cuộc gặp riêng theo đề nghị của chính Kissinger.

Ngày 2 tháng 2
Tại Hội nghị Bốn bên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đưa ra “Hai vấn đề then chốt” trong lập trường Bảy điểm ngày 1 tháng 7 năm 1971 của Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Ngày 6 tháng 4
Tổng thống Nixon hạ lệnh ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam.

Ngày 13 tháng 7
Mỹ chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể Bốn bên ở Paris.

Ngày 19 tháng 7
Thương lượng bí mật Lê Đức Thọ - Kissinger đi vào thực chất.

Ngày 1 tháng 8
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra Mười điểm, Mỹ đưa ra Mười hai điểm, đồng ý bàn cả quân sự và chính trị.

Ngày 14 tháng 8
Mỹ đưa ra đề nghị mới Mười điểm, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao cho Mỹ văn kiện khẳng định lại một số nguyên tắc: Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, mọi sự dính líu về quân sự ở Việt Nam, mọi sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của miền Nam; tôn trọng quyền tự quyết và quyền độc lập thực sự của Việt Nam; phải thừa nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai lực lượng vũ trang và ba lực lượng chính trị, cần lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần.

Ngày 8 tháng 10
Trong cuộc gặp riêng, Lê Đức Thọ trao cho H. Kissinger bản Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 11 tháng 10
Trong cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thủy với Kissinger kéo dài cả ngày 11 đến 2 giờ sáng ngày 12 tháng 10, hai bên đã thảo luận về dự thảo hiệp định và lịch trình như sau: 18 tháng 10 chấm dứt ném bom và thả mìn ở miền Bắc, 19 tháng 10 ký tắt Hiệp định tại Hà Nội, 26 tháng 10 ký chính thức tại Paris và 27 tháng 10 ngừng bắn ở Nam Việt Nam.

Ngày 13 tháng 10
Mỹ thong báo cho đoàn Việt Nam rằng Tổng thống Nixon đã chấp nhận bản dự thảo hai bên đã bàn.

Ngày 20 tháng 10
Trong công hàm gửi cho Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tổng thống Mỹ nói rõ “Văn bản Hiệp định xem như đã hoàn thành” và đưa ra thời gian biểu: ngừng bắn từ 28 tháng 10 và ký Hiệp định tại Paris ngày 31 tháng 10 năm 1972.

Ngày 21 tháng 10
Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời Tổng thống Nixon rằng, sẵn sàng ký hiệp định, đồng ý thời gian biểu của Nixon nêu.

Từ ngày 18 đến 30 tháng 12
Máy bay B-52 của Mỹ ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam, mở đầu “cuộc hành quân Lineblecker II” kéo dài 12 ngày đêm, đồng thời Mỹ gửi công hàm cho Việt Nam yêu cầu họp lại. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không trả lời. Việt Nam đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược này, lập nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng không quân chiến lược Mỹ.

Ngày 22 tháng 12
Mỹ lại gửi công hàm yêu cầu họp lại với điều kiện Mỹ sẽ chấm dứt ném bom trên vĩ tuyến 20.

Ngày 26 tháng 12
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đòi trở lại tình hình trước ngày 18 tháng 12 thì hai bên sẽ họp lại. Mỹ chấp nhận.

Ngày 30 tháng 12
Mỹ chấm dứt ném bom trên vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình (giữa) ký Hiệp định Paris năm 1973.

Năm 1973

Ngày 8 tháng 1
Họp lại, Kissinger đòi trở lại thỏa thuận ngày 23 tháng 11 năm 1972 và xét lại điều 1 về các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam nhưng bị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bỏ. Mỹ phải bỏ thái độ “thương lượng trên thế mạnh”.

Ngày 13 tháng 1
Hai bên hoàn thành văn bản Hiệp định. Đây là cuộc gặp riêng cuối cùng.

Ngày 23 tháng 1
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn Henry Kissinger ký tắt Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 27 tháng 1
Bộ trưởng Ngoại giao Bốn bên dự Hội nghị Paris là Nguyễn Duy Trinh đại diện cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nguyễn Thị Bình, đại diện cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, W. Rogers đại diện cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Trần Văn Lắm, đại diện cho Việt Nam Cộng hòa đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cùng Bốn nghị định thư liên quan.

Ngày 28 tháng 1
Ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành.

Ngày 2 tháng 3
Đại diện 12 Chính phủ tham gia Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Paris, với sự có mặt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ký Định ước Quốc tế về Việt Nam.

Ngày 19 tháng 3
Hội nghị Hiệp thương Hai bên miền Nam Việt Nam họp phiên đầu tiên tại La Celle Saint Cloud (Paris).

Ngày 28 tháng 3
Phiên họp cuối cùng Ban Liên hợp quân sự Bốn bên (hoạt động trong 60 ngày kể từ khi ký Hiệp định tới khi rút quân Mỹ và quân đồng minh).

Ngày 29 tháng 3
Người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những dấu mốc quan trọng tiến tới Hiệp định Paris 1973

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.