Năm 2023, trở lại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), tìm trong khối tài liệu của Đại sứ Hà Văn Lâu trao tặng, chúng tôi nhận thấy có những văn bản đặc biệt giá trị về tổng kết Cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ tại Paris từ năm 1968 đến năm 1973; có tài liệu chưa bao giờ được công bố, tài liệu tuyệt mật, tối mật liên quan đến vòng đàm phán.
Bài phát biểu tại phiên toàn thể lần thứ 53 của Hội nghị Paris về Việt Nam, ngày 5-2-1970, là một trong những tài liệu đó. Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Hà Văn Lâu đã kể tội ác của Mỹ trong vụ oanh tạc ngày 28-1-1970, khi huy động 40 lần máy bay cường kích phản lực F.4 và F.105 dồn dập ném bom bừa bãi, trút điên cuồng hàng loạt rocket xuống vùng dân cư huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và huyện Ninh Hóa (Quảng Bình) gây cho nhân dân địa phương những thiệt hại về người và của. Ngày 2-2-1970, nhiều tốp máy bay phản lực Mỹ liên tiếp đánh phá một số vùng dân cư thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Để trả lời việc Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kịch liệt phản đối và kiên quyết đòi Mỹ phải chấm dứt ngay những hành động đầy tội ác của họ, đại biểu Mỹ đã "đưa ra những lý lẽ hàm hồ và ngang ngược" mà Đại sứ Hà Văn Lâu đã bác bỏ. Ông cương quyết "tôi thấy cần phải khẳng định một lần nữa rằng đối với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, việc Mỹ chấm dứt ném bom và mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc Việt Nam là vô điều kiện".
Đưa ra lập luận: Đại biểu Mỹ dám nói rằng các chuyến bay trinh sát của Mỹ "không đe dọa an ninh của miền Bắc Việt Nam" nhưng lại "cần thiết cho việc đảm bảo an toàn của các lực lượng đồng minh ở Nam Việt Nam", rằng khi các máy bay này bị bắn thì "những biện pháp cần thiết được tiến hành với danh nghĩa quyền tự vệ chính đáng" và "nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sự kiện do hành động của họ đối với các máy bay ấy gây ra", vị Phó Trưởng đoàn đàm phán chỉ thẳng "thật là lý lẽ của những kẻ chỉ biết võ lực mà không kể gì đến lẽ phải".
Ông nêu một loại câu hỏi: "Thử hỏi Mỹ có quyền gì mà đem quân vượt cả nửa vòng trái đất sang xâm lăng Việt Nam? Pháp luật nào cho phép Mỹ do thám và ném bom bắn phá lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước độc lập và có chủ quyền? Thử hỏi Chính phủ Mỹ có để cho bất cứ một nước ngoài nào cho máy bay xâm phạm không phận của Mỹ để do thám mà không đối phó không?
Còn về lập luận của Mỹ về việc bảo đảm an toàn cho quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, thì vấn đề phải đặt ra như thế này: Chính phủ Mỹ đưa quân đội của họ xâm lược và chiếm đóng phi pháp miền Nam Việt Nam, thì họ phải chịu trách nhiệm về việc họ đã đẩy các binh lính của họ vào cái chết vô ích trong một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cho nên cách bảo đảm an toàn tốt nhất cho các lực lượng đó là chính quyền Nixon hãy chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam và nhanh chóng rút hết và vô điều kiện tất cả quân Mỹ và quân các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam".
Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một lần nữa tuyên bố rằng "chừng nào mà Mỹ còn xâm lược Việt Nam thì chừng đó toàn thể nhân dân Việt Nam còn kiên quyết chống lại, chừng nào mà Mỹ còn xâm phạm chủ quyền và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì chứng tỏ các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc Việt Nam còn tiếp tục trừng trị đích đáng bọn xâm lược. Đó là quyền tự vệ chính đáng mà nhân dân Việt Nam kiên quyết sử dụng để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của mình. Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả nghiêm trọng do các hành động nói trên của họ gây ra.
Trước những lời tuyên bố của Tổng thống Nixon về vấn đề Việt Nam trong cuộc họp báo ngày 30-1-1970, Phó Trưởng đoàn Hà Văn Lâu cho rằng, không một sức mạnh nào, không một thủ đoạn nham hiểm nào, không một lời đe dọa nào có thể làm cho nhân dân Việt Nam đi chệch con đường chính nghĩa. Dư luận yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, kể cả ở Mỹ nhất định sẽ ngày càng đồng tình và ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa đó của nhân dân Việt Nam.
Mục tiêu chiến đấu của nhân dân Việt Nam hàng chục năm nay rất rõ ràng và đơn giản: Độc lập và hòa bình thực sự, giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi sự chiếm đóng của nước ngoài, khỏi mọi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân bất kể dưới hình thức gì.
Nếu chính quyền Nixon vẫn ngoan cố không chịu từ bỏ âm mưu xâm lược, vẫn một mực tiếp tục chiến tranh, dù là Mỹ hóa hay Việt Nam hóa, hòng thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, chia cắt lâu dài nước Việt Nam, thì toàn thể nhân dân Việt Nam sẽ kiên quyết vượt mọi hy sinh gian khổ tiếp tục cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước chính nghĩa của mình cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Nếu chính quyền Nixon tỉnh táo nghe theo lẽ phải, hành động phù hợp với lợi ích chân chính của nước Mỹ, với lợi ích chính đáng của nhân dân Việt Nam và lợi ích của hòa bình thế giới, thì họ phải chấm dứt sự xâm lược của Mỹ, giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Việt Nam trên cơ sở tôn trọng thật sự các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Trong cuốn hồi ức "No more Vietnams", Tổng thống Richard Nixon cay đắng mà rằng, việc ném bom đã gây ra "những cơn bùng nổ cuồng loạn từ các nhà chỉ trích của chúng tôi và từ các loại báo chí"...
"Tất cả các chiến tranh đều giống nhau trong thảm kịch cá nhân xảy ra trên chiến trường. Điều làm phân biệt cuộc chiến tranh ở Việt Nam là chấn thương mà chúng tôi phải chịu trên mặt trận trong nước. Đó là chiến tranh nước ngoài chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó đã biến những thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đã từng là bạn của tôi trong 20 năm thành những đối phương cay đắng khi tôi làm Tổng thống", Nixon chua xót.
Ông cũng cho biết, nhận tin từ Paris, ông thấy khuây khỏa hơn là phấn chấn, bởi ông thấy rõ những cơ hội đã bỏ mất trong cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ: Trên 50.000 sinh mạng đã hy sinh. Trên 50 tỷ đô la đã bị tiêu phí. "Và trên 10 năm đã trôi qua, một thời gian mà chúng tôi không thể nào lấy lại được. Việt Nam đã làm tê liệt các cố gắng của chúng tôi trên nhiều mặt trận khác. Tôi đã khởi xướng nhiều chương trình xã hội trong nước mới trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi nhưng tôi đưa lại rất ít tiến bộ bởi vì quá nhiều của cải của chúng tôi đã phải dành cho chiến tranh ở Việt Nam và bởi vì không khí đã bị đầu độc bởi sự tranh chấp về chiến tranh".
Ròng rã 4 năm 8 tháng 16 ngày, trải qua 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng, hơn 500 cuộc họp báo và hơn 1.000 lần phía ta tiếp, trả lời phỏng vấn báo chí các nước, Hội nghị Paris là cuộc đấu trí, đấu lý đầy bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ Việt Nam với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới.
Sáng 27-1-1973, Hiệp định Paris được chính thức ký kết; xác định tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.