Chính trị

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Thủ đô Hà Nội - Hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tìnhBài 8: Bản hùng ca trên bầu trời Hà Nội

Hiền Phương 25/04/2025 - 06:31

“Chia lửa” với chiến trường miền Nam, cùng với việc động viên hàng vạn thanh niên vượt dãy Trường Sơn anh dũng ra trận, mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt…, cán bộ, đảng viên, nhân dân và bộ đội Thủ đô còn làm nên Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi này là một trong những nhân tố quyết định góp vào thắng lợi chung của dân tộc, khi buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược nước ta.

may-bay.jpg
Xác máy bay ném bom B-52 bị tên lửa của Tiểu đoàn 72, Sư đoàn 361 bắn rơi xuống phố Hoàng Hoa Thám, tháng 12-1972. Ảnh: TTXVN

Trận quyết chiến chiến lược

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao. Để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 với mật danh “Linebacker II” nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam...

Xác định bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ rất quan trọng của sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nói riêng, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Trước âm mưu của Mỹ, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân gấp rút củng cố, bổ sung lực lượng và phương án tác chiến để đáp ứng các yêu cầu chiến lược. Trên địa bàn Hà Nội, Sư đoàn Phòng không 361 được bổ sung 3 trung đoàn pháo cao xạ 57 và 37 ly (mới thành lập). Đến tháng 6-1972, việc bố trí hỏa lực phòng không trên miền Bắc và Hà Nội đã có nhiều điểm mới để tập trung cho các trận địa ở Hà Nội.

Tháng 11-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, âm mưu của Mỹ là dùng B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội nhằm gây sức ép cuối cùng, buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô... Ngày 25-11-1972, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị: “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu”.

Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Lúc 10h30 ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài Phát thanh Mễ Trì... làm gần 2.400 người chết và 1.355 người khác bị thương.

Với quyết tâm bảo vệ Hà Nội từ sớm, từ xa, sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu (từ ngày 18 đến 29-12-1972), quân và dân Thủ đô cùng các địa phương khác của miền Bắc đã đập tan dã tâm của địch. Cuộc tập kích đường không “Linebacker II” của Mỹ thất bại hoàn toàn. Không quân Mỹ bị thiệt hại tới 81 máy bay, trong đó có 34 B-52. Riêng Hà Nội bắn rơi 25 B-52.

Ký ức mãi tự hào

Năm tháng đã qua đi, dấu tích của một thời bom đạn có thể phai mờ theo thời gian nhưng tầm vóc và ý nghĩa của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi âm vang trong tâm trí người dân Việt Nam, nhất là những người làm nên chiến thắng.

Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Chắt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363 - đơn vị bắn rơi máy bay B-52 chưa kịp cắt bom tại hồ Hữu Tiệp, nhớ lại quá trình đánh B-52 của đơn vị: “Hôm ấy, đang chiến đấu ở Hải Phòng, chúng tôi được giao nhiệm vụ thu hồi khí tài hành quân về chốt tại trận địa Đại Chu, Yên Phong (Bắc Ninh). Sau nhiều trận hợp đồng tác chiến diệt máy bay địch, đêm 27-12-1972, Tiểu đoàn báo cáo cấp trên xin được đánh đường bay độc lập. Được Sở chỉ huy nhất trí, tôi lệnh cho anh em chuẩn bị vũ khí, khí tài, sẵn sàng tác chiến. Kíp chiến đấu hôm đó, tôi là Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy và 4 trắc thủ đảm nhiệm các vị trí. Khi bắt được tín hiệu nhiễu của B-52, chúng tôi đã quyết định bắn ngay trước khi nó kịp ném bom xuống Hà Nội”.

Tháng 12-1972, khi cuộc chiến diễn ra ác liệt, ông Trần Văn Tường là công an khu vực khối 65 khu phố Ba Đình, nay thuộc phường Ngọc Hà. Chia sẻ ký ức về 12 ngày đêm, ông Trần Văn Tường hồi tưởng: “Đêm 27-12-1972, tôi được lệnh cùng cán bộ cơ sở sơ tán dân. Còi báo động nổi lên, tôi huy động anh em dân phòng đi bảo vệ an ninh trật tự, nhắc nhở nhân dân ai không có nhiệm vụ phải xuống hầm trú ẩn. Sau trận bom B-52, máy bay rơi, nhiều người chết, bùn đất bắn tung khắp làng Ngọc Hà…”. Ngay sau khi máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, các lực lượng tiếp tục tham gia khắc phục hậu quả của trận đánh. Mặc dù khi đó không ít gia đình ở làng Ngọc Hà có người bị thương, qua đời và có những thiệt hại về tài sản nhưng tất cả đều đồng lòng, động viên nhau vượt qua khó khăn tiếp tục cùng các lực lượng chiến đấu bảo vệ vùng trời Thủ đô.

Với vai trò là lực lượng phòng không nòng cốt bảo vệ Thủ đô Hà Nội, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã bắn rơi 29 máy bay, trong đó có 25 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.

Đại tá Lê Anh Chiến, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 361 cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, đơn vị được xác định là lực lượng nòng cốt trong thế trận phòng không nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Từ bài học lịch sử chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12-1972, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn xác định đó là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm cao cả, để mãi mãi xứng đáng với truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trên mảnh đất Ngọc Hà năm xưa nay là phường Ngọc Hà (quận Ba Đình), ngay cạnh hồ Hữu Tiệp còn chứa một phần của xác chiếc pháo đài bay B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội năm 1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã cải tạo và phát huy giá trị Bảo tàng Chiến thắng B-72, phục vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52 cho biết: “Để bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, chúng tôi đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động tại phần trưng bày chuyên đề “Không quân chiến lược và chiến thuật Mỹ”; chiếu phim có kết hợp công nghệ Sa bàn 3D maping, giúp khách tham quan hình dung phần nào về câu chuyện lịch sử 12 ngày đêm đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội. Trong năm 2025 này, chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm thêm những câu chuyện lịch sử gắn với các hiện vật, kết hợp với công nghệ AR để tái hiện sinh động, đầy đủ, sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của Thủ đô”.

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, song Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn luôn là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam, là minh chứng sinh động cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây thực sự là chiến công mang tầm vóc thời đại, mở ra thời cơ lớn cho quân và dân ta hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Thủ đô Hà Nội - Hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tình Bài 8: Bản hùng ca trên bầu trời Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.