(HNM) - Không chỉ ngồi tại các phòng đọc khang trang như hình dung của nhiều người, cán bộ Thư viện Hà Nội còn thực hiện những chuyến đi phục vụ độc giả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của Thủ đô trên chiếc xe lưu động đặc biệt.
Cán bộ thư viện Nguyễn Thu Hằng giới thiệu sách với học sinh Trường Tiểu học Hữu Bằng. Ảnh: Thụy Du |
Chở sách - chở niềm vui
Chiếc xe tải nhỏ lăn bánh từ quận Hà Đông khi trời còn mờ sương. Người ta chỉ thấy nó đặc biệt khi những tia nắng đầu tiên chiếu vào thành xe, làm lộ ra những hình vẽ vui nhộn và dòng chữ “Thư viện lưu động - Bánh xe tri thức - Words on Wheels”. Đó là chiếc xe thư viện lưu động đã gắn bó với cán bộ Thư viện Hà Nội suốt 8 năm qua. Điểm đến mà nó hướng tới là Trường Tiểu học Hữu Bằng, nằm ở trung tâm xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Xe đến vừa lúc học sinh ca sáng đang trong giờ truy bài. Ngay lập tức, hai cán bộ nữ và lái xe bắt tay vào việc chuẩn bị phục vụ học sinh. Những chồng sách đủ loại, từ truyện tranh, truyện cười, đến sách lịch sử, địa lý, khoa học… được xếp ngay ngắn trên các dãy bàn trong phòng đọc sách trước những ánh mắt trong veo dõi theo.
Phan Hà Linh và Phan Tú Anh, lớp 5A12 chăm chú đọc chung cuốn sách thiên văn “Khám phá bầu trời đêm”, trong khi nhiều bạn bên cạnh còn đang chọn lựa truyện tranh. Hai cô bạn nhỏ nói rằng từ lâu đã ham tìm hiểu về trái đất, mặt trời và các vì sao. Cuốn sách nhiều ảnh sinh động với những lời giải thích dễ hiểu đã khiến em lưu luyến mãi mới chuyển lại cho các bạn đợt sau.
Ở góc khác, một nhóm bạn nam đang tập trung vào cuốn “U23 Việt Nam - Những chuyện chưa kể”. Bạn nào bạn nấy đọc vanh vách tên cầu thủ, cười vui vẻ với những câu chuyện hậu trường về các chàng trai đang được hàng triệu trái tim hâm mộ.
Cán bộ thư viện Nguyễn Thu Hằng đi qua các dãy bàn, hỗ trợ các bạn nhỏ tìm sách theo nhu cầu. Có lúc, chị quan sát, rồi lặng lẽ đặt cuốn sách trước mặt một học sinh nào đó. Ngay lập tức ta có thể nghe thấy tiếng “ồ” nho nhỏ đầy thích thú cùng ánh mắt biết ơn và bàn tay vui sướng lật giở trang sách. Có lẽ, hơn 20 năm gắn bó với Thư viện Hà Nội, lại làm việc tại Phòng Thiếu nhi, đủ để người thủ thư ấy đoán định sở thích đọc sách của từng bạn nhỏ.
Còn tại xe thư viện lưu động, cán bộ Phòng Bổ sung và Xử lý kỹ thuật Trần Anh Thư nhẹ nhàng hướng dẫn một số bạn nhỏ chơi trò chơi trí tuệ được thiết lập nhờ hệ thống máy tính đặt ngay trên xe. Đây cũng là phần hấp dẫn đối với nhiều học sinh. Nguyễn Việt Anh, lớp 5A3, vừa cười sảng khoái sau khi trải nghiệm: “Trò này thật “hack” não!” vừa cho biết trò chơi thực sự thú vị.
Liên tục từ sáng đến chiều, mỗi buổi các cán bộ trên chuyến xe tri thức phục vụ khoảng 3-4 đợt học sinh, mỗi đợt 60-70 em. Đó là không kể trong giờ ra chơi, nhiều bạn nhỏ lại xin vào đọc sách tiếp và chưa lần nào bị từ chối. Bất cứ lúc nào cũng thấy nụ cười tươi tắn trên môi hai nữ thủ thư.
Hành trình khơi dậy cảm hứng
Để chuẩn bị cho chuyến phục vụ này, các cán bộ Thư viện Hà Nội đã soạn danh mục sách từ ngày hôm trước, chọn những cuốn mới, phù hợp với từng lứa tuổi. Công việc đơn giản nhưng rất quan trọng, phải thật tinh tế, giàu kinh nghiệm, quan tâm đến trẻ nhỏ thì mới có thể đảm nhiệm tốt. “Làm sao để các em thấy hào hứng với sách, ngay từ cuốn đầu tiên cầm trên tay, từ đó chúng mới dần tìm hiểu và ham thích đọc sách”, chị Nguyễn Thu Hằng chia sẻ.
Dự án xe thư viện lưu động được Thư viện Hà Nội triển khai từ đầu năm 2011, do Quỹ quốc tế Singapore và Tập đoàn Keppel Land xây dựng, quản lý. Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà cho biết: "Chủ trương của dự án là đưa sách báo và các thiết bị công nghệ đi kèm để phục vụ các em nhỏ ở các huyện ngoại thành Hà Nội, ưu tiên các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo phong trào đọc sách cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Tất cả cán bộ Thư viện Hà Nội đều được huy động để thực hiện dự án. Phòng Phong trào điều tiết, phân công từng kíp phục vụ trên xe, thông thường là 1 lái xe và 2-5 cán bộ phục vụ...".
Là lái xe cho dự án từ những ngày đầu, anh Nguyễn Ngọc Hùng kể, mỗi chuyến đi thường là 2 ngày, chủ yếu tại các trường học ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông không tốt. Ngoài phục vụ sách báo, các cán bộ thư viện còn tổ chức những hoạt động vui chơi tập thể, kể chuyện cho các em nhỏ. Xe chỉ có 2 chỗ dành cho cán bộ nên trong nhiều chuyến đi, một vài người phải sử dụng xe máy để theo đoàn. “Tuy vất vả nhưng chuyến nào cũng thành công khi mang lại niềm vui, nụ cười cho con trẻ”, anh Nguyễn Ngọc Hùng kết luận.
Trong 3 năm hoạt động chính thức, dự án “Thư viện lưu động - Bánh xe tri thức” đã phục vụ được 121 trường tiểu học và trung học cơ sở với 127.700 học sinh, gần 400.000 lượt sách. Năm 2015, dự án kết thúc. Quỹ quốc tế Singapore tặng lại xe và toàn bộ thiết bị đi kèm cho Thư viện Hà Nội. “Không có ràng buộc trách nhiệm phải thực hiện tiếp, nhưng nhiều năm gắn bó với những chuyến xe tri thức ấy, chúng tôi hiểu ý nghĩa của hoạt động này và đồng lòng tiếp tục thực hiện”, ông Trần Văn Hà chia sẻ. Từ đó đến nay, mỗi năm Thư viện Hà Nội tổ chức khoảng 50 chuyến đi tới các trường học ngoại thành.
Tuy đã nhiều năm tham gia hành trình đưa tri thức đến với học sinh, nhưng mỗi lần được giao thực hiện một chuyến đi mới, chị Nguyễn Thu Hằng lại vô cùng hào hứng. “Được tiếp cận với trẻ em ở vùng nông thôn, thấy các em dù điều kiện khó khăn nhưng vẫn ham đọc sách và tìm hiểu, điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi trong công việc và cuộc sống”. Chị Hằng thừa nhận, tuy mỗi chuyến xe chở hàng trăm đầu sách nhưng không mấy em nhỏ đủ thời gian đọc trọn vẹn một cuốn. “Điều chúng tôi nỗ lực là khơi dậy sự hứng thú đọc sách cho các em. Được tiếp cận với những cuốn sách hay, với những kiến thức ngoài bài giảng trên lớp, các em sẽ ham đọc, muốn tìm hiểu thêm”, chị Thu Hằng cho biết.
Điều đó đúng như tâm sự của Nguyễn Hữu Minh Sơn, học sinh lớp 4A5, Trường Tiểu học Hữu Bằng: “Mảnh giấy này con ghi lại một số tên sách lịch sử có trên chuyến xe rồi nhờ mẹ mua cho. Sau này con sẽ tìm thư viện gần nhà để làm thẻ, đến đọc sách thường xuyên”.
Chiếc xe đưa cán bộ Thư viện Hà Nội tới Trường Tiểu học Hữu Bằng ngày hôm ấy đã lăn bánh trở về, chuẩn bị cho hành trình đến với địa bàn khác của Hà Nội. Tri thức được lan tỏa trên những chuyến đi như thế, với những con người tâm huyết như thế, chính là câu chuyện sinh động nhất về việc xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.