(HNM) - Học tập các nước, TP Hồ Chí Minh muốn hình thành một đường sách làm điểm nhấn về văn hóa. Hầu hết ý kiến dư luận đều đồng tình đề xuất của Hội Xuất bản Việt Nam về xây dựng đường sách ở trung tâm Quận 1. Song vấn đề triển khai, xây dựng, quy hoạch đường sách như thế nào lại không đơn giản.
Từ bảo đảm hài hòa với di tích kiến trúc
Theo các chuyên gia, đường sách xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới và trở thành điểm nhấn văn hóa của các nước Pháp, Italia, Nhật Bản. Hầu như các khu phố sách trên thế giới đều xuất phát từ nhu cầu mua bán, trao đổi sách và duy trì đến thời điểm này. Do đó, đường sách các nước trên thế giới có yếu tố lịch sử.
Phối cảnh đường sách ở TP Hồ Chí Minh. |
Còn đường sách TP Hồ Chí Minh lại là yếu tố mới, do đó việc xây dựng đường sách gặp không ít khó khăn. Theo phương án thiết kế do Công ty TNHH Tư vấn thiết kế kiến trúc và Cảnh quan Thủy Anh vừa trình bày thì đường sách có thiết kế có khoảng 19 gian hàng diện tích 4,5x4,5m. Mỗi gian chia thành hai tầng với phần gác lửng phía trên để làm kho sách. Gian hàng được ghép từ các khung rời có thể tháo lắp để có thể di dời, tháo gỡ". Theo ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, dự án đường sách đã thông qua ý kiến của gần 10 sở, ngành liên quan như: Giao thông, Xây dựng, Quy hoạch & Kiến trúc, Văn hóa - Thể thao, Thông tin & Truyền thông, Công an thành phố... đều ủng hộ có đường sách bởi sẽ có thêm một không gian sinh hoạt công cộng cho người dân thành phố. Tuy nhiên có nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết.
Cụ thể, điểm đặt đường sách của thành phố nằm trên đường Nguyễn Văn Bình là con đường tiếp giáp với 3 di tích kiến trúc lớn là Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà và trụ sở UBND Quận 1. Tuy thuận lợi vị trí đắc địa, nhưng tuyến đường Nguyễn Văn Bình có cơ sở hạ tầng đang xuống cấp. Hệ thống chiếu sáng yếu, không phù hợp cho việc kinh doanh sách. Theo Công ty TNHH Tư vấn thiết kế kiến trúc và Cảnh quan Thủy Anh thì đường sách phải hoạt động 13/24 tiếng mỗi ngày, như vậy, cần thiết phải thêm đèn chiếu sáng. Nhưng do nằm sát các di tích, bố trí đèn để không ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng của di tích lịch sử xung quanh là vấn đề không đơn giản.
Về giao thông, nhiều ý kiến cho rằng đường sách nên ở một con phố đi bộ để hình thành phố sách. Tuy nhiên, hiện khu vực này đang thiếu trầm trọng bãi đỗ xe. Khi đi vào hoạt động, dự kiến đường sách sẽ thu hút tối thiểu 250 xe/ngày, cao điểm 2.500 xe và điểm gửi xe phải gần, thuận lợi cho khách tham quan. Ngoài ra đường sách phải bảo đảm yêu cầu về giao thông, phòng cháy, chữa cháy... Đó là đòi hỏi khó thực hiện, khi lòng đường Nguyễn Văn Bình khá hẹp.
Đến quản lý hoạt động
Theo dự án, toàn bộ tuyến đường Nguyễn Văn Bình dài 123m sẽ được chia thành 3 khu vực: Gian hàng sách, khu vực triển lãm, cà phê sách. Tuy nhiên, điều khiến các nhà xuất bản, phát hành băn khoăn hơn cả là hiện cả nước có hơn 100 đơn vị xuất bản, phát hành thì đơn vị nào sẽ được kinh doanh trong đường sách. Theo thiết kế chỉ có 19 gian hàng trên đường sách, vậy tiêu chí nào để lựa chọn nhà đầu tư? Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: Hiện đang trong quá trình xây dựng dự án nên chưa tính đến những tiêu chí cụ thể để lựa chọn nhà xuất bản. Sở hữu gian hàng trên đường sách TP Hồ Chí Minh sẽ là cơ hội tốt để nhà xuất bản, đơn vị phát hành tiếp cận bạn đọc, quảng cáo hình ảnh. Do do, đầu tư cho đường sách không chỉ là điểm nhấn văn hóa của TP Hồ Chí Minh mà còn mang tính chiến lược, quảng cáo và kinh doanh của các đơn vị phát hành. Chính vì vậy đơn vị xuất bản, phát hành nào sẽ được góp mặt trên con đường sách nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố trở thành tâm điểm của dư luận và người làm nghề.
Chưa hết, theo ông Lê Hoàng, khác với phố đi bộ Nguyễn Huệ được đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố, kinh phí xây dựng đường sách sẽ là vốn xã hội hóa. Như vậy, ngoài việc phải đấu tranh để được vào đường sách thì một lần nữa, đại diện các nhà xuất bản thêm một lần phân vân về việc đơn vị nào sẽ quản lý đường sách? Ngoài ra, một loạt các vấn đề liên quan đến quản lý văn hóa như: Loại sách nào sẽ được bày bán tại đường sách sẽ cần thêm một hội đồng thẩm định để bảo đảm yếu tố văn hóa, tránh tình trạng xã hội hóa, trao quyền cho doanh nghiệp dẫn đến sự lộn xộn trong kinh doanh.
Theo các chuyên gia, chỉ khi giải quyết được các vấn đề trên thì việc hình thành đường sách mới khả quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.