(HNM) - Vị trí giao thông thuận lợi, gần trung tâm huyện với nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua địa bàn nhưng nhiều năm nay, Tiên Phong vẫn là xã nghèo của huyện Ba Vì với tỷ lệ hộ nghèo tới 17,49%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái nghèo đeo đẳng người dân nơi đây, trong đó không thể không kể tới hạ tầng giao thông xuống cấp, nhiều cây cầu quá yếu khiến việc phát triển kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ở thôn nghèo Vị Nhuế
Đi cùng cán bộ giao thông thủy lợi xã Tiên Phong Ngô Văn Được, lặn lội đến thôn Vị Nhuế sau trận mưa đầu mùa, đường trơn trượt đất đỏ, đi xe máy cũng khó mà đi bộ cũng chẳng xong. Theo giới thiệu của ông Được thì đây là thôn nghèo nhất và cũng là thôn xa nhất xã. Tuy chỉ cách tỉnh lộ 88 vài trăm mét nhưng đường về thôn Vị Nhuế khá gian truân bởi cây cầu bắc qua dòng sông Tích vốn bé xíu lại "lung lay" chỉ chờ sập khiến mọi hoạt động đi lại, giao lưu kinh tế, văn hóa từ thôn Vị Nhuế ra ngoài hết sức khó khăn. Đường trục chính của thôn cơ bản là đường đất. Bí thư Chi bộ thôn Vị Nhuế Nghiêm Thị Huệ cho hay: Xã Tiên Phong có 300ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng năng suất rất bấp bênh do thường xuyên úng ngập. Bà Huệ bức xúc, sông Tích mấy chục năm qua không được nạo vét, việc tiêu úng rất kém, nhiều vụ lúa bị ngập 50% diện tích, năng suất lúa thấp vào loại nhất, nhì huyện.
Cầu Gỗ vào thôn Vị Nhuế bị gãy lan can và rung lắc mạnh mỗi khi có xe đi qua. |
Ở Vị Nhuế ngoài làm ruộng, rất ít hộ có nghề phụ nên bà con trông vào chăn nuôi nhưng ngoài giá cả bấp bênh thì "đầu vào", "đầu ra" còn khó hơn nơi khác nhiều lần. Anh Lê Văn Cường, thôn Vị Nhuế cho biết, gia đình nuôi 70 con lợn và 2.000 gà đồi. Mỗi lần mua thức ăn chăn nuôi và xuất bán gà lợn, phải chuyên chở bằng xe máy từ tỉnh lộ 88 qua xã Thụy An xa thêm 7-8km. Chẳng thế mà mỗi bao cám mất thêm mấy nghìn đồng công vận chuyển nếu cây cầu bắc qua thôn không yếu, giao thông đi lại thuận tiện thì mỗi chuyến cám giảm được cả trăm nghìn đồng. "Mới tuần trước còn xuất lợn hơi được giá 34.000 đồng/kg mà tuần này đã giảm còn 29.000 đồng/kg; giá gà đồi trước xuất 100.000 đồng/kg nay còn 90.000 đồng/kg, rẻ thế nhưng phải nói khó thương lái mới vào đánh hàng", anh Cường buồn rầu cho biết.
Mơ có cầu mới
Là xã giáp ranh với thị trấn Tây Đằng nhưng hạ tầng giao thông ở Tiên Phong vẫn còn lắm gian truân. Cả xã mới có khoảng 30% giao thông được bê tông hóa chủ yếu là trục chính, còn lại vẫn là đường đất. Đặc biệt, 4/5 thôn của xã có sông Tích chảy qua, để vào 4 thôn phải qua 4 cây cầu nhưng 2/4 cây cầu đang rất yếu, mất an toàn giao thông cho người dân. Ông Ngô Văn Được xót xa: Cầu Vị Nhuế (còn gọi là cầu Gỗ) nối thôn Thanh Lũng với thôn Vị Nhuế, dài 20m, rộng 1,8m, được xây dựng từ năm 1960, cải tạo, nâng cấp từ năm 1984. Do lượng người và phương tiện qua lại nhiều, các mố cầu, trụ cầu được xây dựng bằng gạch lục đã hư hỏng nặng, mố cầu phía bờ hữu có một vết nứt dài; từ chân mố cầu đến mặt cầu, bề rộng vết nứt từ 12 đến 22cm. Hệ thống lan can được làm bằng sắt đã bị gỉ sét, nhiều đoạn đứt gãy, rất nguy hiểm. Cả 3 thanh dầm cầu bằng sắt cũng bị gỉ gần hết, chỉ cần một chiếc xe máy đi qua, cầu đã lắc mạnh.
Rời cầu Gỗ, chúng tôi đến cầu Kim Bí chứng kiến cảnh tương tự. Cây cầu này dài 24m, rộng 3m được xây dựng năm 1978, có 2 trụ cầu (gồm 4 cột), toàn bộ phần bê tông phía ngoài 4 chân cột đã bị bong tróc, trơ sắt, dầm cầu cũng đã bị hoen gỉ, bong tróc. "Đây là cây cầu huyết mạch của xã trên đường liên xã: thị trấn Tây Đằng - Tiên Phong - Thụy An, nối quốc lộ 32 với tỉnh lộ 88. Hằng ngày, lượng người và phương tiện qua đây rất lớn. Chỉ riêng thôn Kim Bí đã có 360 hộ, 1.600 nhân khẩu thường xuyên phải qua lại cây cầu này" - ông Được cho biết.
Cầu xuống cấp, phương tiện cơ giới muốn qua cầu sang các thôn bên mặc dù cách nhau hơn chục mét nhưng phải rẽ qua thị trấn Tây Đằng hoặc ngược về cầu Mỗ (Sơn Tây) dài hơn 20km mỗi lượt. Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong Đỗ Văn Chính trăn trở, xã đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, rất cần những cây cầu mới để người dân phát triển kinh tế. Thế nhưng, ngân sách vẫn phải trông chờ cấp trên, việc vận động người dân đóng góp làm đường làng, ngõ xóm đã khó chứ nói gì đến làm cầu. Chúng tôi trông đợi Nhà nước sớm hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, cải tạo những cây cầu trên để đưa Tiên Phong sớm thoát nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.